Giá xăng dầu hôm nay 15/2/2023: Nối tiếp đà giảm

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 6h15 ngày 15/2 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu thế giới tiếp tục điều chỉnh giảm trong bối cảnh thị trường lo ngại nhu cầu toàn cầu suy yếu. Tại thị trường trong nước, giá xăng tăng nhẹ trong khi giá dầu giảm mạnh.

Giá xăng dầu hôm nay 11/2/2023: Thị trường trong nước sẽ giảm "cực mạnh"?

Giá xăng dầu hôm nay 13/2/2023: Thị trường trong nước có thể giảm?

Giá xăng dầu hôm nay 14/2/2023: Biến động trái chiều

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 85,76 USD/thùng, giảm 0,85 USD, tương đương 0,98% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 79,07 USD/thùng, giảm 1,07 USD, tương đương 1,34% so với phiên liền trước.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Theo nhận định của giới chuyên gia, giá dầu hôm nay có xu hướng đi xuống trong bối cảnh thị trường lo ngại nhu cầu toàn cầu suy yếu khi các dự báo cho thấy, lạm phát đang nóng lên sẽ buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.

Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của Công ty Dịch vụ môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho rằng thị trường dầu đang trong trạng thái phòng thủ và có thể giảm sâu hơn nếu lạm phát khó kiểm soát hơn. Nhà phân tích Edward Moya nhận định giá dầu thô đang giảm do các nhà giao dịch năng lượng dự đoán triển vọng nhu cầu dầu thô có khả năng suy yếu do báo cáo lạm phát cơ bản có thể buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách hơn.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 2,4 triệu thùng, lên 455,1 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021; dự trữ xăng tăng 5 triệu thùng; dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 2,9 triệu thùng.

Tại kỳ điều hành ngày 13/2, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định tăng giá xăng E5 RON 92 thêm 540 đồng/lít lên 22.860 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 620 đồng/lít, lên 23.760 đồng/lít. Trong khi đó, những dự báo trước đó đều trả về kết quả giá xăng khả năng cao sẽ giảm trong kỳ điều hành ngày 13/2.

Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất; lệnh cấm của Liên minh châu Âu với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga; OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; các tín hiệu trái chiều về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc…

Theo cơ quan quản lý, các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm. Thông thường, giá xăng trong nước sẽ diễn biến cùng chiều với giá thế giới. Tuy nhiên, ở lần điều chỉnh này, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã ngừng chi quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 và RON 95 (trong khi ở kỳ trước lần lượt chi 850 đồng/lít và 950 đồng/lít). Điều này khiến giá xăng thay vì giảm khoảng 300 đồng/lít mỗi loại, lại tăng lần thứ hai liên tiếp.

Lý giải cho cách làm trên, liên Bộ cho rằng nhằm tạo dư địa quỹ bình ổn trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn nhiều bất ổn; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thanh Hằng (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán