Giá vật liệu xây dựng giảm, ngành thép trong nước sẽ ra sao?

(Banker.vn) Nhiều ý kiến cho rằng, sức tiêu thụ thép trong thời gian tới sẽ không có nhiều chuyển biến do sự ảm đạm từ thị trường bất động sản, xây dựng hạ tầng. Chỉ trong 1 tuần nhưng giá thép trong nước đã điều chỉnh giảm tới 2 lần.

Giá thép hôm nay 12/4/2023: Thị trường dần suy yếu?

Giá thép hôm nay 13/4/2023: Dự báo tiếp tục "hạ nhiệt"

Giá thép hôm nay 14/4/2023: Thép xây dựng trong nước giảm hơn 700.000 đồng/tấn

Khảo sát trên thị trường Hà Nội, giá thép thương hiệu Hòa Phát đã điều chỉnh giảm giá bán, dòng thép cuộn CB240 giảm 460 đồng, hiện ở mức 15.200 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310 đồng, có giá 15.580 đồng/kg. Thép Việt Ý, cả 2 dòng thép của hãng đồng loạt giảm, hiện thép cuộn CB240 giảm 300 đồng, có giá 15.300 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 15.400 đồng/kg - giảm 150 đồng.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

So với thời điểm đầu tháng 4, giá thép đã giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn. Như vậy, giá thép xây dựng trong nước ghi nhận 2 lần giảm liên tiếp sau 5 lần tăng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép giảm do tác động của giá nguyên vật liệu trên thế giới.

Tuy vậy, hầu hết các hoạt động sản xuất thời gian qua của doanh nghiệp gặp khó khăn, cán cân cung - cầu ngành thép hiện tại vẫn chưa thực sự có thay đổi nhiều. Trong trường hợp xấu, tình trạng "ảm đạm" của thị trường có thể tiếp tục kéo dài về cuối năm 2023.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa - Chuyên gia ngành thép, thị trường bất động sản trầm lắng cũng ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ của ngành. Chính phủ đã có nhiều giải pháp để kích thích thị trường bất động sản hồi phục. Nhưng trong ngắn hạn, sẽ chưa thể nhìn thấy sự hồi phục này.

Do vậy, sản lượng tiêu thụ của ngành thép dự báo vẫn duy trì mức thấp trong quý II. Có chăng, tăng trưởng sẽ nằm ở phân khúc xây dựng nhà ở, những công trình nhỏ.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho hay, giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép có lẽ đã đi qua và tình hình kinh doanh của HPG qua từng quý gần như đại diện cho bức tranh của toàn ngành.

Nội lực của Hòa Phát và các doanh nghiệp trong ngành là tốt, nhưng tương lai triển vọng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công hơn nữa trong thời gian tới.

Lượng tiêu thụ của tập đoàn này trong tháng 3 và quý I vừa rồi đều giảm sút. Điều này chủ yếu do nhu cầu thị trường trong và xuất khẩu vẫn ở mức thấp so với năm trước, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi.

Cũng theo chia sẻ của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), nguyên nhân từ đà giảm này là do bức tranh tiêu thụ khá yếu của nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, khiến giá nguyên liệu đầu vào và giá thép đều chung xu hướng giảm. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc được Reuters ước tính là 94,17 triệu tấn trong tháng 3, tương đương với tốc độ hàng ngày là 3,04 triệu tấn.

So sánh với dữ liệu chính thức của hải quan, con số này thấp hơn so với mức 3,29 triệu tấn mỗi ngày trong hai tháng đầu tiên. Giá nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than cốc trong thời gian qua cũng liên tục suy yếu, góp phần hạ nhiệt giá thép thành phẩm trong nước. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu còn là do trong thời gian này, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước giảm, nhất là khi bất động sản vẫn còn gặp khó khăn.

Khảo sát từ các đại lý cho biết tiêu thụ hiện chỉ bằng khoảng 40% cùng kỳ năm trước. Theo MXV, nhu cầu thép trong quý II vẫn sẽ là thách thức và giá thép có thể còn dư địa giảm. Tuy nhiên, kỳ vọng đầu tư công và các dự án nhà ở xã hội được thúc đẩy nhiều khả năng sẽ hỗ trợ ngành thép khởi sắc trong nửa cuối năm.

Hạ Vy (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán