Giá vàng trong nước điều chỉnh trái chiều ngày đầu tháng: Tín hiệu đáng mừng?

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 9h ngày 1/10, giá vàng trong nước tăng giảm 200.000 đồng/lượng trong phiên cuối tuần. Trên thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục tăng nhẹ, neo quanh mức cao nhất một tuần, nhờ đồng USD giảm từ đỉnh gần đây.

Giá vàng hôm nay 30/9/2022: Vàng bị "soán ngôi độc tôn", không còn "hấp dẫn" để đầu tư?

Vàng SJC tiếp đà tăng phiên cuối tuần, mức tăng không quá 250.000 đồng/lượng

Giá vàng hôm nay 1/10/2022: Vàng trong nước "dậy sóng"

Theo đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và doanh nghiệp Phú Quý điều chỉnh chiều mua - chiều bán giảm 200.000 đồng/lượng. Trái lại, hệ thống PNJ niêm yết giá vàng SJC tăng thêm 200.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.

Cùng thời điểm khảo sát, giá mua và giá bán đứng yên tại Tập đoàn Doji. Hiện, giá trần mua vào của vàng miếng SJC ở mốc 65,40 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC ở mốc 66,40 triệu đồng/lượng.

Vàng nữ trang SJC trong sáng nay tăng. Cụ thể, giá vàng 24K tăng 50.000 đồng/lượng, vàng nữ trang SJC loại 18K tăng 40.000 đồng/lượng và loại 14K tăng 30.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Trong phiên giao dịch sáng ngày 1/10, giá vàng giao ngay tăng 0,02% lên 1.661 USD/ounce vào lúc 2h45 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 12 cũng tăng 0,07% lên 1.669,75 USD.

"Thị trường vàng đang ở mức mà chúng ta có thể thấy một số chuyển động cao hơn, (nhưng) tất cả phụ thuộc vào biến động của đồng USD và tỷ giá vào cuối tuần" ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho hay.

Vàng giảm 8% trong quý III/2022. Đây cũng sẽ là tháng giảm thứ sáu liên tiếp của kim loại quý, chuỗi giảm hàng tháng dài nhất trong 4 năm, theo Reuters.

Kim loại quý không phản ứng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập bốn khu vực Ukraine do lực lượng của ông chiếm đóng một phần. Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của vàng vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như kim loại quý.

Dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến ​​cũng đã mang tới một số hỗ trợ ban đầu cho thị trường vàng. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi của nước này đã tăng 0,6% trong tháng 8, tăng so với mức 0,1% của tháng 7. Các nhà kinh tế trước đó đã kỳ vọng mức tăng 0,5%.

Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay tăng 1,1% ở mức 19,02 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,6% xuống 859,88 USD. Cả hai kim loại này đều ghi nhận quý giảm thứ hai liên tiếp trong quý III. Giá palladium cũng giảm 1,2% xuống 2.174,75 USD/ounce và đã tăng khoảng 12,3% trong quý trước.

Các nhà phân tích tại ANZ kỳ vọng palladium sẽ hoạt động tốt hơn các kim loại khác khi triển vọng của lĩnh vực ô tô được cải thiện vào năm 2023, đặc biệt là nhu cầu đối với kim loại được sử dụng trong bộ xúc tác chuyển đổi khí thải của ô tô là bạch kim và palladium.

"Các vấn đề về nguồn cung từ Nam Phi chỉ ra rằng cả thị trường bạch kim và palladium có khả năng vẫn tương đối chặt chẽ", theo ANZ.

Giá vàng mất sức hấp dẫn?

Nhà phân tích Matt Simpson của sàn giao dịch City Index, có trụ sở tại Anh nhận định, đà tăng của giá vàng đang suy yếu. Theo nhà phân tích này, nếu đồng USD không tiếp tục giảm, đà tăng của giá vàng có thể bị hạn chế. Mặc dù vàng được coi là công cụ hữu hiệu để chống lạm phát, song chính sách tăng lãi suất của Mỹ đã làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng và khiến đồng USD trở thành tài sản an toàn hấp dẫn hơn.

Các nhà hoạch định chính sách Fed đã kiên quyết tăng lãi suất bất chấp những xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu. Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester mới đây cho rằng, tại thời điểm hiện nay, ổn định giá cả vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Theo ông David Meger, Giám đốc Giao dịch Kim loại quý tại High Ridge Futures, vàng tăng do đồng USD yếu đi. Giá USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đi xuống đã giúp giá vàng rời đáy 2,5 năm. Các thông tin liên quan đến Nga và Ukraine cũng làm nổi bật thêm vai trò công cụ trú ẩn của vàng.

Mới đây, Anh và Trung Quốc cũng có những biện pháp hỗ trợ đồng nội tệ. Đây cũng là lý do khiến đồng USD suy yếu, từ đó vàng được hỗ trợ. USD đi xuống giá khiến vàng bớt đắt đỏ hơn đối với người mua bằng đồng tiền khác.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận thấy, vàng gần đây không đi lên bất chấp đà bán tháo trên thị trường chứng khoán.

Theo Goldman Sachs, kim loại quý đối mặt nhiều thách thức từ việc các nước tăng lãi suất. Vàng sẽ chỉ biến động trong vùng giá giới hạn do lo ngại của nhà đầu tư về tăng trưởng và lãi suất cao.

Trong báo cáo mới phát hành, Ngân hàng Credit Suisse (Thuỵ Sỹ) đánh giá, sau khi Mỹ, châu Âu, Nhật, tăng mạnh lãi suất vào tháng 9 vừa qua, thì điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Các nền kinh tế sẽ sớm đối mặt với suy thoái khi các nước vẫn chưa chấm dứt việc tăng lãi suất.

Credit Suisse nhận định: "Các nền kinh tế trên thế giới đang gặp rủi ro khi các ngân hàng trung ương buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách không thương tiếc để làm chậm lạm phát. Thực tế, khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh đang bước vào suy thoái, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tăng trưởng và không ngoài cuộc, nước Mỹ cũng đang đối diện với suy thoái.

GDP toàn cầu dự báo ở mức 2,6% trong năm nay và 1,6% trong năm 2023. Đối với thị trường, điều này có nghĩa rằng, cổ phiếu và các tài sản rủi ro sẽ gặp tình trạng xấu hơn".

Credit Suisse cũng dự báo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (​​Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vì tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn thấp. Do đó, khả năng lãi suất của Mỹ sẽ chạm đỉnh ở mức 4,5% - 4,75%. Hiện lãi suất của Mỹ đang là 3% -3,25%.

Theo giới phân tích, đây sẽ là điều tồi tệ cho giá vàng. Vì lãi suất tăng khiến đồng USD mạnh hơn, sẽ khiến vàng mất đi sức hấp dẫn và ngày càng giảm giá.

Thu Uyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán