Giá vàng hôm nay 26/7/2021: Vàng có khả năng đại hạ giá?

(Banker.vn) Giá vàng thế giới tiếp tục giảm giá do làn sóng bán tháo ngắn hạn do các thông tin kinh tế và dịch bệnh không tác động nhiều tới kim loại quý.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:

Tại Hà Nội

Doji Hà Nội: 56,8 triệu đồng/lượng - 57,55 triệu đồng/lượng

SJC Hà Nội: 56,9 triệu đồng/lượng - 57,57 triệu đồng/lượng

Tại TP.HCM

Doji TP.HCM: 56,85 triệu đồng/lượng - 57,52 triệu đồng/lượng

SJC TP.HCM: 56,75 triệu đồng/lượng - 57,5 triệu đồng/lượng

Tuần qua, theo xu hướng thị trường vàng giới, thị trường vàng trong nước cũng ghi nhận giao dịch trồi sụt bất nhất. Tính chung cả tuần, giá vàng bán ra trong nước giảm 100 nghìn đồng/lượng.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ giảm 4,7 USD xuống 1.802,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York giảm 3,3 USD xuống 1.802,1 USD/ounce.

Giá vàng đã giảm 0,7% sau khi chạm mức đỉnh của 1 tháng hồi tuần trước khi lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 gây ra bởi biến thể Delta đã dịu bớt. Nhà đầu tư cũng chuyển ra khỏi các tài sản trú ẩn an toàn khi sức hấp dẫn từ các tài sản rủi ro quay trở lại.

Cam kết đẩy lạm phát lên cao hơn của ECB hoàn toàn trái ngược với dự định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này đang lên kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng.

Giá vàng đã không thể phá vỡ mốc 1.800 USD/ounce ngay cả khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai. Một số nhà phân tích cho rằng vàng vẫn có thể giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce.

Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất, đặc biệt tại Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, có xu hướng giảm khi nhiều người dân nước này đã phải bán vàng để trả nợ ngân hàng do làn sóng đại dịch thứ 2 tàn phá kinh tế.

Những thông tin có thể tác động đến giá vàng nên được chú ý trong tuần tới

Thứ hai: Công bố dữ liệu thị trường nhà đất Mỹ

Thứ 3: Dữ liệu đơn đặt hàng hóa lâu bền và niềm tin tiêu dùng

Thứ 4: Thông báo lãi suất của Fed và cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell.

Thứ năm: Dữ liệu GDP quý 2, thất nghiệp và doanh số bán nhà đang chờ xử lý.

Thứ sáu: Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE).

"Chìa khóa" cho giá vàng tuần tới sẽ là cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) vào tuần tới, khi Fed sẽ công bố chính sách tiền tệ của mình. Những tuyên bố của Chủ tịch Powell vào đầu tháng này trong cuộc điều trần trước Quốc hội cho thấy, "sự gia tăng mạnh của lạm phát trong năm nay sẽ biến mất." Chủ tịch Fed cũng cho rằng, sẽ là một “sai lầm” nếu Fed hành động "quá sớm" để giải quyết tình trạng lạm phát cao mà cuối cùng, đó chỉ là tạm thời.

Những động thái trên của Fed khiến nhiều người tin rằng, cuộc họp FOMC vào tuần tới Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện tại của mình - "chính sách tiền tệ cực kỳ phù hợp và ôn hòa." Nếu đúng như vậy, chúng ta sẽ thấy giá vàng có thể phản ứng theo hướng tăng giá.

Minh Phương

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán