Giá tiêu hôm nay 21/8/2022: Nguyên nhân nào khiến giá tiêu đi xuống?

(Banker.vn) Giá tiêu hôm nay thu mua trong khoảng 68.500 - 71.000 đồng/kg. Cộng đồng Hồ tiêu thế giới nhận định, thị trường tuần này cho thấy triển vọng tiêu cực, không có quốc gia nào được báo cáo với mức tăng.

Giá tiêu hôm nay 18/8/2022: Hồ tiêu bớt áp lực, thị trường vẫn có điểm tích cực

Giá tiêu hôm nay 19/8/2022: Xu hướng tăng giá không bền vững

Giá tiêu hôm nay 20/8/2022: Nhiều thông tin xấu, xuất khẩu tiêu giảm mạnh

Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 71.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Giá tiêu hôm nay giữ ổn định ở các địa phương so với cùng thời điểm hôm qua. Từ đầu tuần, đồng USD tiếp đà tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần, đồng thời đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2020 vào phiên giao dịch vừa qua.

Nguyên nhân do các nhà đầu tư kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Điều này tạo áp lực khiến giá hàng hóa nói chung, cà phê, hồ tiêu nói riêng có chuỗi giảm dài trên thị trường.

Mới đây nhất, Cộng đồng Hồ tiêu thế giới đã niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm 200 USD/tấn, tương ứng với 3.550 USD/tấn tiêu đen loại 500g/l và 5.400 USD/tấn với tiêu trắng.

Theo tổng hợp của Cộng đồng Hồ tiêu thế giới, thị trường tuần này cho thấy triển vọng tiêu cực, không có quốc gia nào được báo cáo với mức tăng. Giá tiêu Ấn Độ được báo cáo ổn định trong tuần này.

Còn sau khi báo cáo với xu hướng tăng trong 2 tuần qua, giá tiêu Indonesia giảm nhẹ. Nguyên nhân, theo Cộng đồng Hồ tiêu thế giới, do Ấn Độ và Indonesia có những ngày lễ lớn trong tuần này.

Ngoài áp lực từ đồng USD mạnh, thị trường trong nước còn chịu tác động kép, khi bị cà phê hút vốn thời gian qua. Các đại lý có tiềm lực đang tranh thủ ôm hàng chờ đợi. Theo ghi nhận, không chỉ vậy hàng trong kho của các đơn vị xuất khẩu cũng trữ được một lượng lớn dùng cho những đơn hàng cuối năm. Như vậy, dự báo là giá tiêu xuất khẩu cuối năm sẽ hồi phục không đồng nghĩa với giá tiêu nội địa tăng tương ứng.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 142,56 nghìn tấn, trị giá 639,84 triệu USD, giảm 20,9% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá, trong tháng 7/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.214 USD/tấn, tăng 1,9% so với tháng 6/2022 và tăng 16,7% so với tháng 7/2021.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.488 USD/tấn, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, theo số liệu từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, tính chung 5 tháng năm 2022, nhập khẩu hạt tiêu của nước này đạt xấp xỉ 36,87 nghìn tấn, trị giá 183,2 triệu USD, tăng 3,5% về lượng và tăng 55,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Mỹ đạt mức 4.969 USD/tấn, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ từ hầu hết các nguồn cung chủ yếu tăng, ngoại trừ giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm.

5 tháng năm 2022, Mỹ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam, Trung Quốc nhưng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Brazil, Indonesia.

Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Mỹ với lượng nhập khẩu đạt 27,52 nghìn tấn, trị giá 134,25 triệu USD, tăng 19,8% về lượng và tăng 84,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của nền kinh tế số 1 thế giới tăng từ 64,48% trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 74,65% trong 5 tháng đầu năm 2022.

Minh Phương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán