Gia Lai: Điều tra vụ 359ha cao su 'vô chủ' trên đất rừng

(Banker.vn) Sở Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã có báo cáo gửi UBND tỉnh kết quả kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của báo chí về hàng trăm ha cao su "vô chủ".
Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo làm rõ vụ 359 ha rừng cao su “vô chủ” Nhà máy nước trăm tỷ ở Gia Lai bị cưỡng chế, kê biên Gia Lai: Doanh nghiệp muốn chuyển đổi hàng trăm ha cây trồng, Chi cục bảo được, huyện nói không

Ngày 8/7, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, đơn vị vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của báo chí về hàng trăm ha cao su "vô chủ" đang được chăm sóc, khai thác tại huyện Chư Prông.

Gia Lai: Điều tra vụ 359ha cao su 'vô chủ' trên đất rừng
Hơn 350 ha cao su đang khai thác mủ nhưng vô chủ ở Gia Lai. Ảnh: Hồng Phong

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm từ năm 2008 đến năm 2019 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ la Puch quản lý, bảo vệ là 1.228,63 ha. Trong đó, có 359,86 ha đất rừng bị chiếm để trồng cây cao su thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ la Puch, huyện Chư Prông.

Đối với diện tích 1.228,63 ha đất rừng bị mất, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai đã khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Trước đó, ngày 28/6, Ban Quản lý rừng phòng hộ la Puch đã có báo cáo về việc “diện tích đất rừng bị lấn chiếm để trồng cao su là hơn 359 ha” thì đơn vị này vẫn đang phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra để cung cấp thông tin, phối hợp đi hiện trường xác minh đối tượng vi phạm. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Về kết quả kiểm tra thực tế, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì diện tích kiểm tra lớn (hơn 350 ha), trong khi thời gian cho phép kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh ngắn (5 ngày) nên Đoàn kiểm tra thống nhất chỉ kiểm tra ngẫu nhiên 3 vị trí trong tổng diện tích 359 ha. Đoàn kiểm tra xác định có 1 vị trí trồng cây cao su, chiều cao trung bình cây khoảng 8m, đường kính trung bình thân cây tại vị trí cách gốc 1,3m khoảng 22 cm, hiện có dấu vết của việc khai thác mủ cao su và 2 vị trí còn lại không trồng cây cao su (Công ty cao su Trung Nguyên đã trồng cỏ).

Cũng theo Sở này, đối với các sai phạm, hạn chế của Ban Quản lý rừng phòng hộ la Puch, ngoài 1.228,63 ha đất rừng bị lấn chiếm, còn có 543,13 ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây cao su của Công ty Bình Dương thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ la Puch.

Đối với diện tích đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây cao su của Công ty Bình Dương, Tòa án Quân khu 5 đã xử lý trách nhiệm đối với 2 cán bộ của Công ty Bình Dương tại bản án hình sự sơ thẩm số 05 (năm 2016) và Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã xử lý trách nhiệm đối với 2 cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ la Púch tại bản án số 76 (năm 2021).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cũng cho biết thêm, hiện 1.228,63 ha đất rừng bị lấn chiếm, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai đã và đang tiến hành điều tra, xác minh.

Về việc 359 ha cao su được chăm sóc, khai thác mủ nhưng không một ai đứng ra nhận làm chủ của hàng trăm ha cao su này, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai cũng chỉ đạo phải làm rõ: Ai đứng sau 359 ha rừng cao su “vô chủ” này, ai phải chịu trách nhiệm cho vụ việc trên.

Hồng Phong

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục