Giá gas hôm nay ngày 16/8/2023: Giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng gấp đôi?

(Banker.vn) Giá gas hôm nay ngày 16/8/2023, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), giá gas giảm 0,23%, ở mức 2,65 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 9/2023.
Giá gas hôm nay ngày 14/8/2023: Kéo dài đà tăng, phập phồng nỗi lo Giá gas hôm nay ngày 15/8/2023: Chưa hạ nhiệt, thị trường khí đốt lo về một cuộc chiến giá Tỷ giá USD hôm nay 16/8/2023: Giá đô hôm nay, USD VCB, USD/VND tiếp tục bật tăng mạnh

Mở cửa phiên giao dịch sáng 16/8, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới đã giảm nhẹ 0,23% xuống mức 2,65 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 9/2023. Đây là mức giảm sau nhiều ngày tăng liên tiếp.

Giá gas hôm nay ngày 16/8/2023:
Giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong mùa đông năm nay

Có thể nói, cú tăng chóng mặt của giá khí đốt ở châu Âu trong những ngày qua cho thấy, việc châu Âu thành công “cai” năng lượng Nga đã khiến khu vực này trở nên dễ tổn thương trước sự trồi sụt của thị trường năng lượng toàn cầu - một thị trường vốn dĩ luôn có mức độ biến động cao.

Bà Samantha Dart từ Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) đánh giá, nếu trước đây châu Âu có nguồn cung khí đốt ổn định từ Nga thì giờ đây khu vực này đang thiếu những đối tác tương tự như vậy.

Cũng giống như nguồn cung dầu lửa, nguồn cung khí đốt mà châu Âu giờ đây phụ thuộc vào thực sự là một nguồn cung mang tính chất toàn cầu. "Thực tế, châu Âu chỉ chuyển từ phụ thuộc vào khí đốt Nga sang phụ thuộc vào LNG thế giới nhưng thị trường LNG thế giới lại dễ gặp biến động, do đó an ninh năng lượng châu Âu cũng dễ bị tổn hại” - ông Bill Weatherburn, nhà kinh tế học tại Công ty phân tích thị trường Capital Economics (Anh) nhận định.

Nhà phân tích Tom Marzec-Manser của công ty tư vấn năng lượng ICIS chia sẻ với Financial Times, khả năng xảy ra đình công ở các nhà máy LNG xuất khẩu ở Australia một lần nữa nhấn mạnh sự thật rằng chúng ta đang ở trong một thị trường khí đốt toàn cầu hoá. Không có gì là khó hiểu khi châu Âu thay thế nguồn cung khí đốt Nga bằng nguồn cung LNG linh hoạt. Nhưng chính sự linh hoạt đó lại làm gia tăng mức độ biến động của giá.

Theo Hiệp hội Các hãng khí đốt châu Âu, hiện các kho dự trữ khí đốt tại khu vực - nguồn cung khí đốt quan trọng trong những tháng mùa đông đang ở mức 80%. Cơ quan này dự báo các kho dự trữ trên sẽ đạt mức 100% vài tuần trước khi mùa đông đến. Còn theo Bộ Kinh tế Đức, các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của Đức hiện ở mức gần 90% công suất.

Ông Kaushal Ramesh, Trưởng bộ phận phân tích thị trường LNG tại Công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho rằng, mức dự trữ khí đốt của châu Âu hiện nay đã đạt ngưỡng an toàn, nhưng thị trường vẫn còn bấp bênh vì mùa đông này biết đâu lại là một mùa đông khắc nghiệt và mức dự trữ khí đốt sẽ cạn nhanh. “Nguồn khí đốt dự trữ ngoài dùng cho sưởi ấm, nhiều nước châu Âu còn phải dùng để vận hành các công ty và doanh nghiệp sản xuất” - ông Ramesh lưu ý.

Goldman Sachs - một trong những ngân hàng có ảnh hưởng nhất trên thị trường hàng hoá cơ bản cảnh báo rằng, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba trong mùa đông năm nay.

Theo đài CNBC, một thách thức khác cho thị trường năng lượng của châu Âu là khả năng bị gián đoạn nguồn cung khi Hà Lan và Na Uy - hai đối tác khí đốt lớn của khu vực, chiếm 24% thị phần, có khả năng sẽ tạm ngừng nguồn cung khí đốt cho khu vực này trong một khoảng thời gian vì các nhà máy và đường ống dẫn khí của hai nước này cần bảo trì.

Mặc dù giá khí đốt vẫn còn thấp so với mức cao cách đây khoảng một năm, nhưng sự biến động trong mùa đông sắp tới có thể đồng nghĩa với việc các hộ gia đình phải trả hóa đơn cao hơn, cũng như những người tiêu dùng khí đốt quy mô lớn bao gồm các ngành thép, phân bón và gốm sứ - những ngành vẫn đang quay cuồng với mức tăng vọt của năm ngoái.

Tại thị trường trong nước, từ 1/8/2023, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng ở mức phổ biến từ 26.000-26.500 đồng.

Tại các công ty kinh doanh gas phía Nam, từ 1/8, giá gas bán lẻ tăng khoảng 2.167 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Cụ thể, tăng 13.000 đồng/bình 6 kg; tăng 26.000 đồng/bình 12 kg; tăng 97.500 đồng/bình 45 kg; tăng 108.000 đồng/bình 50 kg.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ ngày 1/8, giá gas của công ty này tăng 26.000 đồng/bình 12kg và 108.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu này tối đa là 411.000 đồng/bình 12kg và 1.711.000 đồng/bình 50kg.

Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cho hay, kể từ ngày 1/8, giá gas của thương hiệu này tăng 26.000 đồng/bình 12kg và 97.515 đồng/bình 45kg.

Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/8, giá bán gas SP tăng 2.208 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương tăng 26.500 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, mỗi bình gas SP 12 kg sẽ được bán ở mức 373.500 đồng bình 12kg.

Tại thị trường Hà Nội, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 8/2023 là 380.160 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.520.640 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 26.360 đồng/bình 12kg và 105.640 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT).

Giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Một số yếu tố có thể góp phần vào việc giá gas bao gồm sự gia tăng sản xuất gas, tình hình cung và cầu, cũng như thay đổi trong chính sách và biến động thị trường năng lượng.

Nguyên nhân giá gas bán lẻ tháng 8/2023 tăng giá được nhận định do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 8 ở mức 465 USD/tấn, tăng 77,5 USD/tấn so với tháng 7 nên các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.

Như vậy, sau khi giảm mạnh trong tháng 7 đến 67.500 đồng/bình 45 kg, giá gas tháng 8/2023 tăng trở lại. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và 3 lần tăng vào tháng 2, tháng 5 và tháng 8.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương