Giá gas hôm nay 5/4: Giảm mạnh khoảng 50% so với đầu năm nhưng nỗi lo vẫn còn

(Banker.vn) Giá gas hôm nay 5/4, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) giảm 0,43% xuống mức 2,09 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 5/2023.
Giá gas hôm nay 1/4: Trong nước giảm tới 62.000 đồng/bình; giá gas thế giới tăng Giá gas hôm nay 3/4: Trong nước và thế giới đều giảm Giá gas hôm nay 4/4: Tiếp tục giảm mạnh; các thương nhân theo sát diễn biến

Khí gas kỳ hạn nhìn chung đã giảm mạnh khoảng 50% kể từ đầu năm, đánh dấu mức giảm kỷ lục trong Quý I/2023. Sự sụt giảm này chủ yếu là do thời tiết mùa Đông ôn hòa hơn dự kiến, đã ảnh hưởng đến nhu cầu sưởi ấm, khiến các công ty tiện ích phải tích trữ nhiều khí đốt hơn bình thường.

Giá gas hôm nay 5/4:
Hệ thống đường ống khí đốt

Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, các địa điểm lưu trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã đầy gần 56% - cao hơn 10 điểm phần trăm so với mức trung bình thông thường vào thời điểm này trong năm. Đây cũng là lượng dự trữ khí đốt cao nhất vào cuối mùa sưởi ấm trong một thập kỷ, cũng nhờ nhu cầu từ ngành công nghiệp và hộ gia đình cắt giảm và dòng LNG ổn định trong những tháng gần đây.

Châu Âu đã cố gắng giảm mức tiêu thụ khí đốt xuống khoảng 430 tỷ m3 trong năm 2022 (thấp hơn 13% so với mức năm 2021). Trong thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, các nước EU đã giảm được 19% lượng khí đốt tiêu thụ.

Tây Ban Nha, do không bị ảnh hưởng lớn vì thiếu khí đốt của Nga, chỉ cắt giảm tiêu thụ ở mức vừa phải, còn Pháp và Italy cắt giảm ít hơn mức trung bình của châu Âu. Ngược lại, Đức và Hà Lan phải cắt giảm nhiều hơn đáng kể, giảm mức tiêu thụ của họ xuống khoảng 20% so với năm 2021.

Mặc dù mùa đông vừa qua ở châu Âu ôn hòa, nhưng các chuyên gia dự báo mùa sưởi ấm tiếp theo sẽ khó khăn hơn do mất ít nhất 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên của Nga, trong khi đó nhu cầu lại gia tăng do việc khởi động lại nhà máy điện của Trung Quốc.

Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết, sản lượng LNG toàn cầu vào năm 2023 dự kiến sẽ tăng khoảng 23 tỷ m3. Châu Âu sẽ cần phải thâu tóm gần một nửa mức tăng tổng thể này. Vì châu lục này sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các nền kinh tế châu Á đang phục hồi - nhất là Trung Quốc, nên nhu cầu về LNG có thể sẽ đẩy giá TTF lên cao hơn mức hiện tại, có khả năng khiến mức sàn lên tới 80 euro/MWh.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho rằng, tình hình hiện tại trên thị trường năng lượng đang “giết chết” khả năng cạnh tranh của châu Âu và giải pháp duy nhất là mở rộng các nguồn khí đốt tự nhiên có sẵn cho lục địa này.

Liên quan đến các nguồn năng lượng mới, ông Szijjarto đề cập đến việc nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan là lựa chọn số một, đồng thời lưu ý, một thỏa thuận chính trị đã đạt được về việc cung cấp khoảng 100 m3 khí đốt cho Hungary trong năm nay. Sau đó, lượng giao hàng hàng năm có thể đạt 2 tỷ mét khối trong khuôn khổ hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải phát triển cơ sở hạ tầng.

Một lựa chọn khác là đưa khí đốt tự nhiên từ Croatia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan vào, nhưng giải pháp này cũng yêu cầu mở rộng công suất mạng lưới, vốn cần nguồn lực của EU. Giải pháp trong hoàn cảnh hiện tại là tập trung vào nguồn cung hơn là nhu cầu và nhập khẩu càng nhiều khí đốt vào châu Âu càng tốt.

Theo Reuters, các công ty bảo hiểm của Đức sẽ gia hạn bảo hiểm cho đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 đã phát nổ vào năm ngoái sau các cuộc tấn công phá hoại bị cáo buộc.

Allianz và Munich Re đã khôi phục chính sách bảo hiểm của họ cho đường ống quan trọng vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến phần còn lại của châu Âu trong một thập kỷ trước vụ nổ.

Chính sách bảo hiểm bao gồm các chi phí thiệt hại đường ống và gián đoạn kinh doanh, theo các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này. Nó cũng sẽ cho phép mọi sửa chữa cần thiết để nối lại nguồn cung cấp khí đốt dưới biển Baltic, theo một nguồn tin khác.

Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước từ 1/4 giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Cụ thể, so với tháng 3, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm từ 58.000-62.000 đồng, loại 45 kg giảm khoảng 220.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.

Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/4, giá gas của công ty này sẽ giảm 62.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức giảm 5.167 đồng/kg (đã bao gồm VAT). Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 399.000 đồng/bình 12 kg.

Tương tự, các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro giảm 4.833 đồng/kg. Như vậy, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng giảm 58.000 đồng/bình.

Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam cũng cho biết, kể từ ngày 1/4, giá gas của công ty giảm 4.833 đồng/kg (đã bao gồm VAT) tương đương giảm 58.000 đồng/bình 12 kg và giảm 217.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Như vậy, giá bán lẻ gas của thương hiệu này đến người tiêu dùng là 417.912 đồng/bình 12 kg và 1.567.670 đồng/bình 45 kg.

Nguyên nhân giá gas trong nước quay đầu giảm mạnh là do giá gas thế giới tháng 4 chốt ở mức 550 USD/tấn, giảm 180 USD/tấn so với tháng 3. Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.

Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần giảm và 1 lần tăng vào đầu tháng 2. Trước đó, trong tháng 3/2023, giá cũng đã giảm 16.000 đồng/bình 12 kg.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục