Giá gạo Việt liên tục giảm, giá thế giới xu hướng tăng cao

(Banker.vn) Trong phiên giao dịch cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ghi nhận giảm nhẹ còn giá gạo của các nước như Thái Lan, Pakistan tiếp tục tăng cao.
Nguyên nhân giá gạo thế giới tăng sốc, giá gạo Việt liên tục giảm Cục diện giá gạo xuất khẩu biến động mạnh trong tuần thứ 2 của năm 2024

Dẫn nguồn từ Oryza, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của thế giới trong 2 phiên ngày 18 và 19/1 biến động trái chiều.

Theo đó, gạo của Việt Nam ghi nhận giảm nhẹ ở cả 2 phân khúc 5% và 25% tấm. Giá sau điều chỉnh gạo 5% tấm hiện ở mức 652 USD/tấn (giảm nhẹ 1 USD/tấn so với đầu tuần); gạo 25% tấm hiện có giá 617 USD/tấn (giảm 1 USD/tấn so với đầu tuần).

Giá gạo Việt liên tục giảm, giá thế giới xu hướng tăng cao
Giá gạo xuất khẩu trong 15 ngày đầu của tháng 1/2024 biến động trái chiều

Trong khi đó gạo của Thái Lan và Pakisan tiếp tục xu hướng tăng từ 1-7 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 1 USD, lên mức 648 USD/tấn; gạo cùng phẩm cấp của Pakistan tăng 7 USD, lên mức 625 USD/tấn. Với mức điều chỉnh trên, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ cách Thái Lan 4 USD và cách Pakistan 27 USD.

Ở phân khúc 25% tấm, gạo của Thái Lan tăng 4 USD, lên mức 581 USD/tấn; gạo cùng phẩm cấp của Pakistan tăng 6 USD, lên 562 USD/tấn.

Riêng phân khúc 100% tấm, trong khi gạo Việt vững giá thì cả hai nguồn cung nói trên ghi nhận sụt nhẹ 1 USD. Theo đó, giá gạo của Việt Nam hiện giữ mốc 533 USD/tấn, Thái Lan 483 USD/tấn và Pakistan là 469 USD/tấn.

Theo VFA, Pakistan đã có khởi đầu năm 2024 đầy sôi động với giá chào gạo trắng 5% tấm vượt ngưỡng 600 USD/tấn. Sở dĩ giá gạo nước này tăng do sự quan tâm từ các nhà nhập khẩu và nhu cầu thu mua nguyên liệu để giao các đơn hàng đi Indonesia, Haiti và Đông Phi trong tháng 1-2/2024 cao, từ đó đã góp phần đẩy giá gạo nội địa đi lên. Tuy nhiên, theo nhận định của phần lớn các thương nhân thì giá gạo Pakistan tăng do tin tức từ Indonesia cho thấy sản lượng lúa gạo nước này trong tháng 1-2/2024 giảm mạnh bởi thời tiết khô hạn El Nino và thị trường kỳ vọng Bulog sẽ tiếp tục nhập khẩu trong thời gian ngắn tới.

Mặc dù nhu cầu mới tuy có nhưng thị trường hiện chưa ghi nhận nhiều giao dịch mới do người mua vẫn chần chừ trước tình hình giá gạo tăng cao trong khi cước tàu đang biến động mạnh, đặc biệt là khu vực châu Phi.

Với Thái Lan, các thương nhân nước này hiện tập trung giao hàng cho Bulog, Indonesia. Giá gạo Thái cao một phần được lý giải bởi cước container đi các khu vực châu Mỹ, châu Âu và Tây Phi biến động mạnh (hiện đã tăng khoảng 270%) do căng thẳng trên Biển Đỏ làm người mua càng trở nên thận trọng hơn.

Trong khi đó với Việt Nam, sản lượng vụ Đông Xuân 2023/2024 của Việt Nam chưa rõ ràng, giá chào gạo lại ở mức cao nên nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm này Pakistan vẫn là nguồn cung ưu thế trên thị trường thương mại gạo thế giới hiện nay.

Thùy Dương

Theo: Báo Công Thương