Giá gạo có thể tiếp tục tăng, triển vọng nào đối với LTG?

(Banker.vn) Thị trường lúa gạo đang có nhiều diễn biến mới và sẽ có tác động mạnh đến giá cả hàng hoá này trong thời gian tới. Triển vọng kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành lúa gạo tại Việt Nam trong thời gian tới ra sao?

Cơ hội rộng mở cho ngành gạo Việt Nam

Theo nhiều chuyên gia dự báo, do hiện tượng thời tiết El Nino khiến các quốc gia sản xuất lúa gạo với quy mô lớn bị thiếu mưa và dự kiến nhiệt độ sẽ đạt đỉnh vào tháng 10/2023. Điều này gây ra lo ngại về việc giá gạo sẽ leo thang trong những năm tới. Cùng với đó là việc các nước sản xuất lúa mì và ngô quy mô lớn như Mỹ và Úc đang có dấu hiệu giảm sản lượng đầu ra. Do đó, sức ép tìm kiếm lương thực thay thế tăng lên và giá cả lúa gạo dự kiến sẽ tăng theo.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã đưa ra những báo cáo về thị trường giá gạo hiện tại như sau: Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 543 USD/ tấn còn của Thái Lan là 633 USD/tấn. Gạo 25% tấm xuất khẩu thì của Việt Nam là 628 USD/ tấn và Thái Lan là 565 USD/ tấn. Do đó, khả năng cạnh tranh mức giá với nước đứng thứ 3 xuất khẩu gạo là Thái Lan là rất cao.

Lợi nhuận của LTG chủ yếu đến từ công ty liên kết

Theo báo cáo tài chính trong nửa đầu năm 2023, doanh thu của Lộc Trời tăng trưởng tốt với mảng lúa gạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 67.7% trong cơ cấu doanh thu. Cụ thể, doanh thu ghi nhận ở mảng nông sản đạt 4.220 tỷ đồng (tăng 24.5% so với cùng kỳ); mảng thuốc bảo vệ nông sản đạt 1.536.5 tỷ đồng (giảm gần 25% so với cùng kỳ); mảng hạt giống đạt 315,3 tỷ đồng (giảm gần 9% so cùng kỳ).

Chuỗi giá trị lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời     Nguồn: Tập đoàn Lộc Trời

Chuỗi giá trị lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời (nguồn: Tập đoàn Lộc Trời)

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của LTG được ghi nhận đạt 6.130,2 tỷ đồng (tăng hơn 4% so với cùng kỳ), và lãi ròng đạt hơn 343 tỷ đồng, (tăng hơn 2,4 lần so với cùng kỳ). Mặc dù doanh thu thuần có mức giảm 1,78% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận tăng 146,54% (tương ứng 204,7 tỷ đồng). Kết quả khởi sắc chủ yếu do Công ty có gần 327 tỷ đồng lợi nhuận trong Công ty CP Lương thực Lộc Nhân, trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản này.

Nguồn: Tập đoàn Lộc Trời
Nguồn: Tập đoàn Lộc Trời

Ngoài ra, doanh thu ghi nhận tăng trưởng cao là nhờ vào việc Tập đoàn Lộc Trời hưởng lợi từ việc giá lúa gạo tăng cao và nguồn cung bị hạn chế nghiêm trọng. LTG đã tiếp cận và đạt được những thỏa thuận hợp đồng xuất khẩu gạo lớn với các đối tác đến từ Indonesia và Malaysia (giá trị tối đa 127 triệu USD/ hợp đồng).

Trong năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, giảm nhẹ 2.8% so với năm 2022. Như vậy sau 6 tháng, tập đoàn này đã thực hiện được 86% mục tiêu cả năm. Dự kiến doanh thu của LTG sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý 3 và quý 4, khi giá gạo thế giới được dự báo vẫn còn tăng mạnh và vụ Đông Xuân bắt đầu thu hoạch (đây là mùa vụ lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước).

Giá gạo tăng là nhân tố ủng hộ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành lúa gạo trong đó có LTG. Tuy nhiên điều này cũng có thể gây ra những tác động thiếu tích cực. Trong báo cáo phân tích mới đây, chuyên gia phân tích của CTCK KIS Việt Nam cho rằng, giá gạo cao dẫn đến nhu cầu cây giống và nguyên vật liệu khác cho các vụ gieo trồng sắp tới tăng cao. Do đó, KIS Việt Nam kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm theo quý và duy trì ổn định theo năm. Nhiều doanh nghiệp đang tìm thêm nguồn tài chính để mở rộng đầu tư vụ Thu Đông, có thể đẩy chi phí lãi vay lên cao bất chấp chính sách nới lỏng của NHNN.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LTG có đà tăng giá kéo dài từ đầu tháng 5/2023 - thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu tăng rõ rệt. Hiện, giá cổ phiếu này đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/8 đạt 38,200 đồng, tăng 40% sau hơn 3 tháng.

Xuân Hiểu

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục