Giá đường neo ở mức cao nhất 15 năm qua

(Banker.vn) Những khó khăn về nguồn cung đã khiến giá đường trên thị trường thế giới tiếp tục neo ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Giá đường lao dốc sau khi chạm đỉnh 12 năm Hiệp hội Mía đường khuyến cáo doanh nghiệp nâng cao giá mua mía niên vụ 2023 - 2024 Giá đường neo cao, doanh nghiệp mía đường tăng giá thu mua mía cho bà con

Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), giá hai mặt hàng đường đồng loạt tăng trong tuần qua. Trong đó, giá đường 11 cao hơn 1,57% và giá đường trắng tăng 2,13% so với tham chiếu. Theo MXV khó khăn trong sản xuất và vận chuyển tại Brazil và lo ngại nguồn cung tại Ấn Độ tiếp tục giữ giá đường ở vùng cao trong 15 năm.

Chính phủ Brazil cho biết quốc gia này chỉ xuất khẩu 2,88 triệu tấn đường trong tháng 10, giảm 10% so với mức 3,16 tấn vào tháng 10 năm ngoái. Đồng thời, một cơ quan thương mại hàng đầu từ Ấn Độ cho biết sản lượng đường trong niên vụ 2023/24 có thể giảm 8% so với vụ trước do nguồn cung mía bị ảnh hưởng bởi El Nino.

Giá đường thế giới tăng cao đã kéo giá đường trong nước cùng neo ở mức cao, dao động ở mức 26.000-34.000 đồng/kg (tùy loại).

Giá đường neo ở mức cao nhất 15 năm qua
Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan

Tại Việt Nam, mới đây, Ban Thường vụ Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tiến hành thảo luận và thống nhất cao về định hướng phục hồi vùng nguyên liệu mía trong thời gian tới thông qua việc tiếp tục nâng cao giá mua mía cho nông dân so với niên vụ 2022/23. Theo đó, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương, tiếp tục điều chỉnh tăng giá mua mía cho vụ mới sắp đến, sao cho giá mua mía bảo đảm người nông dân bù đắp đủ chi phí có thu nhập đủ sống với cây mía, để người nông dân yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.

Giá mía cũng cần xây dựng bảo đảm cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương, có như vậy người nông dân mới có thể an tâm tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam.

Được biết, trong niên vụ 2022 - 2023, ngành mía đường đã ép được hơn 9,6 triệu tấn mía, sản xuất được 935.104 tấn đường các loại, tăng 28% về sản lượng mía ép và tăng 25% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2021 - 2022; tăng 43% về sản lượng mía ép và tăng 36% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2020 - 2021.

Để cung cấp thêm nguồn đường cho thị trường nội địa đúng theo cam kết hội nhập, mới đây, Bộ Công Thương có thông báo về việc tổ chức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá.

Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 17.01) phân giao năm 2023 theo phương thức đấu giá là 119.000 tấn. Giá khởi điểm là 2,3 triệu đồng/tấn, bước giá 50.000 đồng/tấn. Thời hạn nhận hồ sơ đấu giá đường từ ngày 6 đến 21/11.

Dự kiến, phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá sẽ được tổ chức tạ Phòng họp Trụ sở Bộ Công Thương (địa chỉ: số 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào 09 giờ ngày 28 tháng 11 năm 2023 (Thứ Ba).

Bộ Công Thương cũng lưu ý trường hợp thương nhân được phân công giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá nếu nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan phải chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Ngoài ra, thương nhân còn phải chịu thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương