Giá dầu biến động ra sao trước bất ổn tại Trung Đông?

(Banker.vn) Trước tình hình hiện nay tại Trung Đông, nhiều nhà đầu tư đang chú ý vào thị trường dầu mỏ thế giới. Nhưng liệu giá dầu có biến động trong thời gian tới?
Tổng thống Iran qua đời khi đang đương chức? Giá dầu tăng vọt trong bối cảnh bất ổn chính trị tại các quốc gia sản xuất dầu lớn Việt Nam gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Cộng hoà Hồi giáo Iran

Liệu sự bất ổn chính trị vừa qua ở hai quốc gia sản xuất dầu lớn là Iran và Saudi Arabia có tác động mạnh mẽ đến giá dầu không? Theo đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian đã không may qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng vào tối Chủ nhật vừa qua. Còn về phía Saudi Arabia, có nhiều lo ngại về sức khỏe của Quốc vương Salman Bin Abdulaziz 88 tuổi, cha của Thái tử Mohammed Bin Salman. Theo Reuters, vị Thái tử này vừa hoãn lại chuyến công du tới Nhật Bản do lo ngại về tình hình sức khỏe của cha mình.

Giá dầu biến động ra sao sau tai nạn của cố Tổng thống Iran?
Một giàn khoan dầu lửa tại Iran. Ảnh: Iran International

Tuy vậy, bất chấp những sự kiện lớn xảy ra ở Trung Đông, kênh Bloomberg vẫn nhận xét “giao dịch dầu toàn cầu đang tương đối mờ nhạt”. Thực tế, giá dầu Brent đang ở mức gần 84 USD/thùng sau khi ghi nhận mức tăng trưởng theo tuần đầu tiên trong tháng, trong khi giá dầu WTI cũng ổn định ở mức gần 80 USD. Cả hai thị trường dầu này đều dao động giữa mức tăng và giảm khá nhẹ, vậy tại sao điều này lại đang xảy ra?

Theo các chuyên gia, chính sách dầu mỏ của Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự ra đi đột ngột của Tổng thống Raisi, vì Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei đang nắm quyền quyết định cuối cùng về mọi vấn đề của nhà nước Iran, trong đó có ngành dầu mỏ. Còn với Saudi Arabia, nhà phân tích Saul Kavonic tại sàn giao dịch MST Marquee (Úc) cho rằng thị trường thế giới đã quen với sự lãnh đạo của Thái tử Mohammed Bin Salman trong lĩnh vực năng lượng của quốc gia này.

Chia sẻ với Reuters, ông Saul Kavonic nói: “Saudi Arabia được kỳ vọng sẽ tiếp tục chiến lược dầu mỏ bất kể vấn đề sức khỏe của Quốc vương nước này”. Theo số liệu của Reuters, xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia đã tăng tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 3 vừa qua, đạt mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại.

Tuy vậy, con mắt của các các nhà đầu tư vẫn đang đổ dồn vào Trung Đông, nơi có phần lớn các nước thuộc nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác. Dự kiến nhóm này sẽ có cuộc họp vào ​​​ ngày 1 tháng 6 sắp tới để thiết lập chính sách sản lượng, bao gồm cả việc có nên gia hạn mức cắt giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày của một số thành viên hay không.

Theo Reuters, khối OPEC+ có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng từ nhiều nước nếu nhu cầu dầu không tăng. Thực tế, chính kỳ vọng về thông báo cắt giảm này có thể là lý do khiến giá dầu không mấy biến động trước tình hình chính trị tại Trung Đông trong thời gian qua. Qua kênh Reuters, ông Warren Patterson, nhà phân tích chiến lược hàng đầu tại ngân hàng ING (Hà Lan) đã nhận xét: “Thị trường dường như ngày càng tê liệt trước những diễn biến trên mặt trận địa chính trị, có thể là do lượng công suất dự phòng lớn mà OPEC đang sử dụng”.

Ngoài OPEC, các nhà đầu tư cũng đang tập trung vào diễn biến tình hình kinh tế Mỹ. Họ lo ngại rằng nếu lạm phát và lãi suất ở Mỹ vẫn ở mức cao trong thời gian tới, nhu cầu tiêu dùng dầu thô sẽ giảm mạnh. Thực tế, giá dầu thế giới đã giảm nhẹ sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết họ đang chờ thêm dấu hiệu lạm phát chậm lại trước khi xem xét cắt giảm lãi suất vào tối thứ hai (giờ Mỹ).

Cụ thể, Phó Chủ tịch FED Philip Jefferson đã nói rằng còn quá sớm để biết liệu sự suy giảm lạm phát có lâu dài hay không, trong khi Phó Chủ tịch Michael Barr cho biết chính sách cắt giảm sẽ cần thêm thời gian. Tương tự, Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta Raphael Bostic cho biết sẽ "mất một thời gian" để Ngân hàng Trung ương Mỹ tin tưởng rằng việc lạm phát đang giảm bền vững.

Mặc dù vậy, thật khó để kỳ vọng thị trường dầu sẽ có một cơn “chấn động” lớn trong thời gian sắp tới. Theo dữ liệu của Bloomberg, tỷ lệ biến động giá dầu Brent đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2019. Tuy vậy, giá của loại dầu tiêu chuẩn toàn cầu này đã tăng 10% trong năm nay, và dự báo sẽ có thể tăng trong thời gian tới, khi nhiều nước tại Bắc Bán cầu sẽ bước vào kì nghỉ hè.

Cập nhật giá dầu trong nước và thế giới ngày 21/5/2024

Giá dầu thế giới hôm nay giảm rõ rệt. Tính đến thời điểm 15h10 ngày 21/5/2024 trên sàn Oilprice, giá dầu WTI giao tháng 6 đang ở mức 78,93 USD/thùng, giảm 0,87 USD (tương đương 1,09%) so với phiên mở cửa. Tương tự, giá dầu Brent giao tháng 7 cũng đã giảm 0,55 USD, tương đương 0,66%, xuống còn 83,16 USD/thùng.

Trong nước, giá xăng dầu hôm nay ngày 21/5/2024 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 16/5 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm xuống mốc 22.115 đồng/lít; xăng RON 95 xuống mốc 23.135 đồng/lít. Giá dầu diesel lên mốc 19.873 đồng/lít; dầu hỏa lên mốc 19.908 đồng/lít. Riêng dầu mazut được điều chỉnh giảm 85 đồng/kg xuống mốc 17.418 đồng/kg.

Phú Quý (theo Reuters, Bloomberg)

Theo: Báo Công Thương