Giá cổ phiếu DGC tăng 12 lần, tổng tài sản cha con Chủ tịch Đức Giang tăng 16 lần trong 2 năm

(Banker.vn) Nhờ giá cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Sàn HOSE) tăng 12 lần, tổng tài sản của 2 cha con ông ông Đào Hữu Huyền Chủ tịch DGC vượt 7.800 tỷ đồng, gấp khoảng 16 lần so với mức 470 tỷ đồng đầu năm 2020.

Trong phiên giao dịch ngày 22/3/2022, giá cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tăng trần (+7%) lên mức giá 213.400 đồng/cổ phiếu, thiết lập kỷ lục mới về thị giá của DGC - tương ứng tăng 65% so với vùng đáy gần nhất 129.200 đồng (phiên 18/1/2022).

Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Hóa chất Đức Giang vượt mốc 36.500 tỷ đồng (1,6 tỷ USD) - tương ứng tăng hơn 26.200 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) so với thời điểm cách đây 1 năm.

Trong phiên 22/3, cổ phiếu DGC trở thành mã bị cá nhân bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 270 tỷ đồng.

Bước sang phiên chiều 23/3, cổ phiếu DGC tiếp tục tăng mạnh 4,5% lên mức 223.000 đồng, giao dịch khớp lệnh đạt hơn 2,3 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu DGC (Nguồn: TradingView)

Nếu những ngày đầu năm 2020 giá cổ phiếu DGC chỉ khoảng 17.500 đồng/cổ phiếu thì hiện tại, thị giá của mã đã tăng hơn 12 lần trong vòng 2 năm.

Tính đến ngày 31/12/2021, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT công ty nắm giữ 31,66 triệu cổ phiếu DGC còn con trai Đào Hữu Duy Anh - CEO Đức Giang nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu. Với thị giá hiện tại, ước tính khối tài sản của 2 cha con ông Huyền là gần 7.825 tỷ đồng - gấp khoảng 16 lần so với tổng mức 470 tỷ đồng - tương ứng giá 17.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2020.

Kết quả kinh doanh đột phá

Được biết, đà bứt phá của DGC diễn ra trong bối cảnh giá hàng hóa trong đó có giá các mặt hàng hóa chất neo ở mức cao do những căng thẳng địa chính trị leo thang. Nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất trong đó có DGC được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp từ con "bão giá" này từ đó thu hút được dòng tiền trên thị trường.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2021, DGC đạt doanh thu hợp nhất 9.550 tỷ đồng - tăng 53% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 165% lên mức 2.513 tỷ đồng và vượt 128% kế hoạch năm 2021 do ĐHCĐ đề ra.

Với kết quả này, DGC dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 127% bao gồm 10% cổ tức tiền mặt (đã tạm ứng) và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 117% (phát hành thêm 200,16 triệu cổ phiếu trả cổ tức).

Sang năm 2022, doanh nghiệp đề ra mục tiêu tổng doanh thu tăng 26% so với năm 2021 đạt 12.117 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 3.500 tỷ đồng - tăng 39% so với cùng kỳ; dự kiến chia cổ tức ở mức 30%.

DGC giải thích do duy trì các nhà máy hoạt động hết công suất cộng với việc dự án mỏ Apatit – Khai trường 25 đã chính thức đi vào vận hành khai thác từ tháng 3/2021 làm giảm chi phí đầu vào, tăng hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thị trường thế giới có nhiều biến động theo hướng có lợi cho Tập đoàn.

Biến động trên có lẽ chính là việc giá phốt pho vàng, giá phân, đạm tăng cao. Đặc biệt là giá phốt pho khi trong năm 2021, doanh thu từ bán thành phẩm (chủ yếu là phốt pho vàng và axit các loại) chiếm 99,7% doanh thu của Tập đoàn.

Kế hoạch năm 2022, Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện các dự án bất động sản tại Đức Giang và dự án hóa chất Đức Giang Nghi Sơn.

Đáng chú ý, DGC cũng chuẩn bị trình cổ đông thông qua phương án phát hành 8,55 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã dự phóng lợi nhuận trước thuế cốt lõi (không bao gồm mảng bất động sản) của DGC có thể tăng thêm 55% và 13% lần lượt trong 2022 và 2023. VCSC đưa mỏ quặng apatit thứ hai của DGC vào dự phóng khi dự kiến mỏ này sẽ cung cấp 60% nhu cầu quặng apatit đầu vào, từ đó giúp công ty tiết kiệm 400 tỷ đồng chi phí quặng đầu vào hàng năm.

Chung quan điểm, Chứng khoán BSC cũng duy trì quan điểm tích cực đối với hoạt động kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn khi cho rằng DGC tiếp tục hưởng lợi nhờ giá hàng hóa thế giới cao và chi phí sản xuất cắt giảm so với cùng kỳ nhờ khai thác quặng Apatit từ khai trường 25.

Khánh Vân

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán