Giá cà phê xuất khẩu đồng loạt lao dốc sau chuỗi tăng nóng

(Banker.vn) Giá cà phê xuất khẩu đồng loạt giảm với giá cà phê Robusta giảm mạnh hơn 3% do xuất hiện mưa trái mùa tại khu vực Tây Nguyên làm giảm tình trạng khô hạn kéo dài
Giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm sốc sau nhiều phiên tăng kỷ lục Giá cà phê xuất khẩu giảm sâu sau chuỗi ngày tăng cao kỷ lục

Kết phiên giao dịch ngày 30/4, giá cà phê thế giới đồng loạt giảm, với giá cà phê Robusta giảm mạnh hơn 3% do xuất hiện mưa trái mùa tại khu vực Tây Nguyên (Việt Nam), góp phần làm dịu tình trạng khô hạn kéo dài tại các vườn cà phê. Giá cà phê cũng giảm về mức thấp nhất gần 3 tuần khi thị trường ghi nhận một số tín hiệu tích cực hơn về nguồn cung.

Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 giảm 143 USD/tấn, ở mức 4.021 USD/tấn; giao tháng 9/2024 giảm 148 USD/tấn, ở mức 3.940 USD/tấn.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đây chỉ là hiện tượng điều chỉnh tạm thời khi sản lượng cà phê vụ 2024/2025 của Việt Nam vẫn đối mặt nhiều rủi ro. Khu vực Tây Nguyên dự kiến sẽ còn chứng kiến các đợt nắng nóng đỉnh điểm nữa, trước khi mùa mưa bắt đầu vào tháng 6. Ngoài ra, trong tháng 3 vừa qua, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 3.093,4 tấn cà phê, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung.

Trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 13,85 cent/lb, ở mức 213,65 cent/lb; giao tháng 9/2024 giảm 14 cent/lb, ở mức 211,8 cent/lb.

Diễn biến cùng chiều, giá Arabica giảm về mức thấp nhất gần 3 tuần trước một số dấu hiệu cải thiện nguồn cung.

Xuất khẩu cà phê từ Brazil tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 4. Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), tính đến 30/4, quốc gia Nam Mỹ đã xuất đi khoảng 4,6 triệu bao cà phê, với 3,5 triệu bao Arabica dạng hạt, tăng 27% so với cùng kỳ tháng trước.

Hiện tại, hoạt động thu hoạch cà phê tại Brazil đã bắt đầu. Dù tiến độ còn chậm nhưng sự khô ráo trong thời tiết tại khu vực trồng cà phê chính sẽ thúc đẩy tiến độ trong thời gian tới, giúp nông dân Brazil có thêm lý do để đẩy mạnh bán hàng.

Giá cà phê trong nước tháng 4/2024 liên tục tăng sốc chưa từng thấy, thêm tới 35.000 đồng/kg. Hôm nay 1/5, cà phê đang giao dịch trong khoảng 132.700 - 133.500 đồng/kg.

Theo khảo sát, giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên đồng loạt giảm 1.200 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng giảm 1.200 đồng/kg, xuống mức 132.500 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai giảm 1.200 đồng/kg, xuống mức 133.000 đồng/kg; tại Đắk Lắk giảm 1.200 đồng/kg, xuống mức 133.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông giảm 1.200 đồng/kg, xuống mức 133.200 đồng/kg. Tuy nhiên, tính chung trong tháng 4/2024, giá cà phê trong nước vẫn tăng mạnh hơn 36% (tương đương tăng khoảng 36.000 đồng/kg), liên tiếp xô đổ các kỳ lục.

Giá cà phê xuất khẩu đồng loạt lao dốc sau chuỗi tăng nóng
Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 4/2024 tiếp tục tăng, đạt 3.791 USD/tấn, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2023

Tổng cục Thống kê cho biết, xuất khẩu cà phê trong tháng 4/2024 đạt 170.000 tấn, với kim ngạch hơn 644 triệu USD, giảm 10,0% về lượng và 4,1% về kim ngạch so với tháng trước; tăng 3,9% về lượng và tăng mạnh 61,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt 755.696 tấn, với kim ngạch hơn 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và tăng mạnh 57,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 4/2024 tiếp tục tăng, đạt 3.791 USD/tấn, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.402 USD/tấn, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Các quỹ đầu cơ lớn và các công ty quản lý nguồn quỹ đều có xu hướng giảm vị thế mua ròng với hợp đồng kỳ hạn cà phê trên thị trường New York. Một số nhà phân tích kỹ thuật cho rằng, diễn biến này có thể tạo ra sự điều chỉnh giá Arabica, từ mức cao nhất là 245 Cent xuống mức 220- 230 Cent cho hợp đồng giao ngày 24/7.

Trong khi đó, nguồn cung cà phê Robusta khan hiếm trên toàn cầu, có nguyên nhân từ vụ mùa ở Việt Nam thấp hơn dự kiến và việc thiếu mưa đe dọa vụ mùa tiếp theo của loại cà phê Robusta, đã làm dấy lên mối quan tâm ngày càng tăng đối với cà phê Conillon của Brazil. Tuy nhiên, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới - Brazil đã bắt đầu thu hoạch nhưng khả năng nguồn cung giảm. Nguyên nhân là do nắng nóng đỉnh điểm vào cuối năm 2023 kéo theo rủi ro sản lượng cà phê Robusta đang thu hoạch sẽ giảm 5 - 10%. Sức ép nguồn cung càng gia tăng khi Indonesia hoãn giai đoạn thu hoạch sang tháng 6 do cà phê chín muộn.

Dự báo thời tiết cho thấy có mưa vào tuần tới ở Việt Nam, tập trung nhiều hơn ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, tại miền Trung và miền Nam, lượng mưa vẫn chưa đủ để giữ trái ở vùng đất khô hạn, duy trì tín hiệu cảnh báo và lo ngại về nguy cơ mất mùa ở vụ mùa tới của Việt Nam. Nếu mất mùa trong niên vụ tới sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung cà phê robusta trong một năm nữa.

Tại Indonesia, dự báo độ ẩm sẽ giảm trong tuần tới, nhưng quá trình sinh trưởng trái đã trở nên chậm lại do dư thừa độ ẩm trong thời gian qua, nguồn cung cà phê mới dự kiến chỉ tăng đáng kể vào tháng 5.

Báo cáo tháng 4 cập nhật dự báo về hiện tượng El Ninõ và La Ninã, của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã nâng khả năng La Ninã xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 lên 60%. Hiện tượng này có thể góp phần tạo ra một thời kỳ khô hạn hơn và tạo điều kiện cho các khối không khí vùng cực xâm nhập vào các vùng trồng cà phê của Brazil, điều này sẽ càng làm kích động kiểu “thị trường thời tiết” khi mùa Đông đến với Brazil.

Mất mùa ở Việt Nam trong niên vụ tới sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung cà phê Robusta trong một năm nữa. Giải pháp là kết hợp loại cà phê Arabica vào hỗn hợp, nhưng quá trình chuyển đổi này không diễn ra một cách nhanh chóng như mong đợi. Do đó, cà phê Robusta còn tiếp tục giữ vững xu hướng tăng.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục