Giá cà phê Robusta Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh, vượt xa cà phê Arabica

(Banker.vn) Trong nửa đầu tháng 9, giá cà phê nhân Robusta của Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh và vượt xa giá cà phê nhân Arabica tới 887 USD/tấn.
Giá xuất khẩu cà phê thiết lập mức cao kỷ lục Tiếp tục tăng vọt, giá cà phê Robusta lập kỷ lục mới

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 9 của Việt Nam đạt 17.305 tấn, mang về hơn 87 triệu USD, giảm khoảng 18% về khối lượng nhưng tăng khoảng 55,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, chủ lực vẫn là cà phê Robusta với 15.155 tấn, đơn giá bình quân 5.053 USD/tấn, mang về 76,583 triệu USD.

Cà phê Arabica xuất khẩu được 1.129 tấn, đơn giá bình quân 4.166 USD/tấn, mang về 4,705 triệu USD. Như vậy, giá cà phê Robusta Việt Nam xuất khẩu đã vượt giá cà phê Arabica 887 USD/tấn.

Giá cà phê nhân Robusta của Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh
Giá cà phê nhân Robusta của Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh và vượt xa giá cà phê nhân Arabica tới 887 USD/tấn. Ảnh: Ngọc Hải

Giá cà phê Robusta xuất khẩu lần đầu được ghi nhận cao hơn giá cà phê Arabica vào tháng 5 vừa qua với khoảng cách 32 USD/tấn (cà phê nhân Robusta 3.920 USD/tấn và cà phê Arabica giá 3.888 USD/tấn) và sau đó khoảng cách càng kéo giãn khi tốc độ tăng giá của cà phê Robusta mạnh hơn.

Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), trên thế giới có 2 loại cà phê phổ biến là Arabica, chiếm 55 - 60% sản lượng và Robusta, chiếm từ 40 - 45% sản lượng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, VICOFA cho biết, do điều kiện về thổ nhưỡng, sản lượng cà phê Robusta chiếm đến 94% sản lượng, Arabica chỉ có 6%.

Một chuyên gia thị trường cà phê cho biết, trước đây, giá cà phê Robusta chỉ bằng 1/3 đến 1/2 giá cà phê Arabica. Chỉ cách đây 2 năm, tại niên vụ cà phê (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau) 2021 - 2022, giá cà phê Robusta xuất khẩu bình quân ở mức 1.980 USD/tấn, chưa bằng một nửa giá cà phê Arabica (4.333 USD/tấn).

Hiện tại, giá Robusta gần như ngang ngửa với Arabica cao cấp, vốn cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua. Volcafe, một trong những nhà giao dịch cà phê lớn, cũng dự báo nguồn cung Robusta toàn cầu sẽ thiếu hụt nghiêm trọng trong giai đoạn 2024 - 2025, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp xảy ra tình trạng này.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Robusta chiếm hơn 95% sản lượng cà phê của Việt Nam trong mùa vụ tới. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao, song nguồn cung lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thời tiết, khiến giá cà phê Robusta tăng hơn gấp đôi trong năm qua.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) - nhận định, giá cà phê Robusta cao hơn Arabica là điều rất bất thường. Từ xưa đến giờ, giá cà phê Arabica luôn rất cao và cao hơn nhiều so với cà phê Robusta, thường cao gấp 2 lần.

Lý giải điều này, ông Nam cho biết, trên thế giới, người ta sử dụng nhiều cà phê Arabica, còn cà phê Robusta thường được dùng để phối trộn vào cà phê Arabica. Cà phê Robusta Việt Nam có những hương vị riêng mà giá lại rẻ hơn so với cà phê Robusta của nhiều nước khác nên các nhà thương mại cà phê lớn nhất thế giới đều mua cà phê Robusta Việt Nam.

Mặt khác, việc EU - thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, đang ngày càng đưa ra nhiều quy định về an toàn thực phẩm, môi trường... cũng tạo cơ hội cho cà phê Việt Nam.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sản lượng thu hoạch của Việt Nam dự kiến giảm khoảng 10 - 15% trong vụ mùa này do biến đổi khí hậu và diện tích canh tác cà phê thu hẹp.

“Hạn hán khiến cây cho ít trái hơn và trái cũng nhỏ hơn. Mưa lớn cản trở nông dân thu hoạch và phơi cà phê, đồng thời gây khó khăn trong vận chuyển”, ông Minh chia sẻ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê Robusta Việt Nam sẽ giảm 1% trong mùa vụ tới, xuống còn 27,85 triệu bao 60 kg. Tuy nhiên, con số này thấp hơn khoảng 9% so với mùa 2021-2022. Điều này phản ánh xu hướng giảm sản lượng trong dài hạn, trong khi nhu cầu khắp thế giới vẫn tiếp tục tăng.

Cà phê Robusta dự kiến tiếp tục gia tăng thị phần vì khả năng chịu nhiệt và kháng bệnh tốt hơn dòng Arabica. Tuy nhiên, việc sản lượng đi xuống có thể là tin xấu cho những người uống cà phê trên toàn cầu, khi giá cà phê có khả năng duy trì ở mức cao.

Các đợt mưa liên tục sau khi bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc khiến các vùng trồng cà phê của Việt Nam chìm trong lũ lụt.

Theo tính toán của các nhà vườn, với mức giá cà phê đầu vụ năm nay là 120.000 đồng/kg, các vườn trồng cà phê có thể đạt lợi nhuận từ 200 - 250 triệu đồng/ha. Tuy là mức lợi nhuận rất cao so với nhiều năm trồng cà phê nhưng vẫn thấp hơn so với trồng sầu riêng, với mức lợi nhuận lên đến 500 - 700 triệu đồng/ha nên những vùng đất thích hợp với cây sầu riêng, nông dân cà phê vẫn có thể chuyển đổi.

Theo VICOFA, niên vụ cà phê 2023 - 2024 sắp kết thúc (chỉ còn nửa tháng cuối tháng 9) với kết quả Việt Nam xuất khẩu được 1,43 triệu tấn cà phê, kim ngạch khoảng 5,23 tỉ USD. Tính ra, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trung bình 3.657 USD/tấn ở niên vụ này. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân Robusta, Arabica, cà phê nhân đã khử caffeine và cà phê chế biến (rang xay, hòa tan)…

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục