Gemadept (GMD) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 125 triệu đồng

(Banker.vn) Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Gemadept (HOSE: GMD). Gemadept bị phạt do không đảm bảo số lượng thành viên HĐQT độc lập...

Cụ thể, ngày 8/3 vừa qua, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Gemadept.

Gemadept bị phạt do không đảm bảo số lượng thành viên HĐQT độc lập. Theo Báo cáo tình hình quản trị Công ty 6 tháng đầu năm 2022 và báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2022, Gemadept có 10 thành viên HĐQT, trong đó chỉ có 1 thành viên HĐQT độc lập, không đảm bảo số lượng thành viên HĐQT độc lập của công ty niêm yết theo quy định của pháp luật. Do đó, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt đối với vi phạm trên với tổng số tiền là 125 triệu đồng.

Gemadept (GMD) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 125 triệu đồng
Gemadept bị phạt 125 triệu đồng do không đảm bảo số lượng thành viên HĐQT độc lập. Hình minh họa

Công ty CP Gemadept là công ty chuyên về logistics (dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa) có mạng lưới cảng và logistics, hệ thống hiện đại, tọa lạc ở các vùng kinh tế lớn bậc nhất Việt Nam. Hoạt động kinh doanh chính của GMD là khai thác cảng và hoạt động logistic.

Tiền thân của Gemadpt là một doanh nghiệp Nhà nước, thành lập năm 1990. Cùng với chính sách đổi mới kinh tế của Chính phủ, năm 1993 Gemadept trở thành một trong ba công ty đầu tiên được cổ phần hóa.

Năm 2002, Gemadept niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, cổ phiếu GMD đang được giao dịch trên sàn HOSE. Số lượng cổ phiếu GMD đang lưu hành là hơn 301 triệu cổ phiếu, vốn hóa thị trường ước đạt 15.881,24 tỷ đồng.

Đáng chú ý, GMD là đơn vị trả cổ tức bằng tiền đều đặn trong nhiều năm. Cụ thể, từ năm 2018 - 2022, GMD luôn trả cổ tức cho cổ đông từ 1.200-1.500 đồng/cp.

GMD đạt lãi ròng gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2022

Về kết quả kinh doanh, năm 2022 GMD ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Thậm chí có thể nói là "năm hoàng kim" của Gemadept khi hoạt động khai thác cảng và logistic thuận lợi đã giúp doanh nghiệp này có mức lãi ròng "khủng" đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Trong năm 2022, doanh thu thuần của GMD đạt 3.900 tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2021). Biên lãi gộp ở mức 42% (năm trước chỉ 35,6%). Trong đó, hoạt động khai thác cảng đóng góp doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng (chiếm gần 80%), còn lại hơn 812 tỷ đồng là doanh thu hoạt động logistics, cho thuê văn phòng và các hoạt động khác.

Lãi từ công ty liên doanh, liên kết năm 2022 đạt 406,5 tỷ đồng (tăng 72% so với năm trước). Trong gần 2.500 tỷ đồng đầu tư, GMD đầu tư nhiều nhất vào Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link với hơn 1.400 tỷ đồng.

Ngoại trừ chi phí bán hàng giảm 6% còn gần 146 tỷ đồng, các chi phí khác đều tăng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt đạt hơn 177 tỷ đồng và 396 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, GMD đạt lãi ròng 995 tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2021).

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản GMD đạt hơn 13.000 tỷ đồng (tăng 23% so với đầu năm). Nợ phải trả hơn 5.200 tỷ đồng (trong đó, nợ vay ngắn hạn hơn 543 tỷ đồng, nợ vay dài hạn hơn 1.400 tỷ đồng.

Gemadept có thể thu về 2.000 tỷ đồng nhờ bán cảng Nam Hải Đình Vũ

Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng những thách thức của nền kinh tế sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận cốt lõi của công ty trong năm 2023. Tuy nhiên, SSI kỳ vọng việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận, cũng như sử dụng nguồn tiền thu được để giảm gánh nặng tài chính và đầu tư vào các dự án mới.

Bên cạnh đó, GMD có thể tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tại khu vực cụm cảng Hải Phòng vốn cạnh tranh cao, bằng cách tập trung sản lượng cho cụm cảng Nam Đình Vũ (Nam Đình Vũ).

Theo SSI Research, nhu cầu vận tải container sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2023. Đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục yếu khi lạm phát cao. Đồng thời, việc giải phóng hàng tồn kho cần ít nhất hai quý nên nhu cầu vận tải có thể phục hồi từ quý III/2023. Do đó, sản lượng qua cảng Gemadept có thể giảm 10%, trong đó sản lượng qua cụm cảng phía Bắc giảm 11% vào năm 2023.

Tuy nhiên, SSI Research nhận thấy, Gemadept đã tăng phí xếp dỡ đối với tất cả các cảng trong năm nay. Giá các dịch vụ hầu hết tăng bình quân 20% so với năm 2022 nhưng vẫn ở dưới mức giá trần. Riêng giá dịch vụ của Gemalink (cảng liên doanh giữa Gemadept và CMA Terminals của Pháp) chỉ tăng 5% do cảng đã chạm mức giá trần áp dụng cho cảng nước sâu.

Gemadept (GMD) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 125 triệu đồng
Giá xếp dỡ container của Gemadept.

Trong trường hợp, cảng Gemalink có thể xử lý 900 nghìn TEU trong năm 2023 thì điểm sáng sẽ là phí dịch vụ cảng biển tăng lên, giúp tăng trưởng doanh thu Gemadept nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm do chi phí khấu hao cao hơn từ dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2.

Theo SSI Research, việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận, giảm gánh nặng tài chính, giúp đầu tư vào các dự án mới của Gemadept. Thương vụ này được dự báo sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2023.

Mặc dù giá trị giao dịch chưa được tiết lộ nhưng Gemadept đã ghi nhận khoản đặt cọc 1.000 tỷ đồng được trả trước trong quý IV/2022. Bên mua là Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship, HOSE: VSC).

Trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 gửi cổ đông, Viconship dự kiến phát hành 121 triệu cổ phiếu để mua cảng Nam Hải Đình Vũ. Tổng vốn đầu tư vào thương vụ được công ty ước tính khoảng 2.250 tỷ đồng cho 51 - 75% cổ phần, tương đương giá trị 3.000 tỷ đồng cho toàn bộ cảng.

Theo SSI Research, với việc sở hữu 85% vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ, Gemadept có thể ghi nhận khoản lãi 2.000 tỷ đồng.

Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 bắt đầu hoạt động trong tháng 2, bổ sung thêm 500 nghìn TEU vào tổng công suất của toàn bộ dự án và hiện có khả năng xử lý 1 triệu TEU mỗi năm. Dự án này sẽ thay thế cảng Nam Hải Đình Vũ sau khi thoái vốn và duy trì công suất hàng năm của cụm cảng phía Bắc của GMD ở mức 1,2 triệu TEU. Trong năm 2022, các cảng phía bắc của Gemadept đã xếp dỡ 1,1 triệu TEU.

Ngoài ra, SSI Research cho biết, Gemadept đang dự kiến khởi công xây dựng cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 (500 nghìn TEU) vào cuối năm 2023 để bổ sung thêm công suất cho mạng lưới của công ty.

Vì trong trường hợp, cảng Nam Hải Đình Vũ được chuyển nhượng cho Viconship thành công, thị phần của Viconship sẽ cao hơn Gemadept và đạt 17,3% công suất cụm cảng Hải Phòng. Đấy là chưa kể, Viconship đang sở hữu 36% vốn điều lệ Cảng VIMC Đình Vũ và 22% vốn điều lệ Cảng dịch vụ Dầu khí Đình Vũ.

Từ những nhận định trên, SSI Research dự phóng năm 2023, Gemadept có thể ghi nhận 3.795 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 3%, 2.457 tỷ đồng lãi ròng tăng 112% so với cùng kỳ. Sang năm 2024, lãi ròng công ty có thể đạt 1.201 tỷ đồng.

Trên thị trường, giá cổ phiếu GMD có chiều hướng giảm từ ngày 6/2 sau khi tăng vọt từ đầu năm. Chốt phiên giao dịch ngày 10/3, giá cổ phiếu GMD đóng cửa ở mức 51.000 đồng/cp, giảm hơn 9% so với đỉnh ngày 6/2.

Diễn biến giá cổ phiếu NVL. Nguồn TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu GMD. Nguồn TradingView
Mua “chui” cổ phiếu ACB, Chứng khoán Thiên Việt (TVS) bị phạt tiền

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 53/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Chứng ...

Cổ phiếu AMD vào diện đình chỉ giao dịch

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo cổ phiếu AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone rơi vào ...

Công ty con của Đầu tư VRC (VRC) bị xử phạt vì công bố thông tin không đúng thời hạn

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán