GDP của Việt Nam có thể tăng 6,5% trong năm nay

(Banker.vn) “Lấy lại hào quang” là chủ đề của báo cáo vừa được Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC phát hành với dự báo GDP năm nay tăng ở mức 6,5%.
Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 6,5 -7% Nhiều dư địa cho tăng trưởng GDP 7% trong năm 2024? Mục tiêu tăng trưởng GDP 7% là có cơ sở nhưng vẫn cần thận trọng

Dẫn chứng sự tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam đạt 6,9% so với cùng kỳ năm trước, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC cho rằng đây là một bất ngờ lớn, vượt xa kỳ vọng của thị trường là 6%, và có nhiều cơ sở để dự báo cũng như kỳ vọng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt mức tăng 6,5%.

Báo cáo phân tích, không chỉ gói gọn trong các các chỉ số chính, sự phục hồi của Việt Nam đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu lan rộng. Về thương mại, sự phục hồi của công nghệ tiếp tục mang lại nguồn lực cần thiết trong khi các ngành khác cũng vượt đáy để lấy lại tăng trưởng đầy thuyết phục.

Trong khi đó, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục tỏa sáng sau khi Việt Nam đón hơn 8,8 triệu lượt khách trong nửa đầu 2024. Mặc dù vậy, phục hồi của lĩnh vực trong nước vẫn còn chậm so với các lĩnh vực bên ngoài, tình hình này sẽ còn kéo dài trong quý 4/2024. Đồng thời, lạm phát đã đạt đỉnh và có khả năng sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2024 khi hiệu ứng cơ sở thuận lợi bắt đầu có tác động.

GDP của Việt Nam có thể tăng tới 6,5% trong năm nay
GDP của Việt Nam có thể tăng tới 6,5% trong năm nay (Ảnh minh họa)

Theo bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, với kết quả tốt hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm 2024, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm nay lên 6,5%. “Điều đó nhiều khả năng sẽ đưa Việt Nam trở lại vị trí là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho các quốc gia khác trong khu vực trong hai năm vừa qua. Chúng tôi cũng mới giảm dự báo lạm phát năm 2024 xuống 3,6%”- bà Yun Liu nhấn mạnh.

Không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, điều đáng khích lệ là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng, trong đó có thể kể tới lĩnh vực sản xuất đạt mức tăng tới 10% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng được phản ánh qua tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của Quý 2, đạt 15% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, báo cáo của HSBC chỉ ra rằng, tâm lý các nhà sản xuất cũng tốt lên thấy rõ. PMI tháng 6 tăng mạnh lên 54,7, không chỉ vượt hẳn ngưỡng mở rộng 50 mà còn đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Điều đáng khích lệ là tình hình việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới đã tăng cao so với những tháng gần đây, là "bảo chứng" cho triển vọng tốt hơn của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam.

Ngoài ra, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tích cực. Chỉ trong nửa năm 2024, Việt Nam đã thu hút hơn 8,8 triệu lượt khách, vượt mức của năm 2019. Đặc biệt, ngay cả chưa có cơ chế miễn thị thực, lượng du khách Trung Quốc trở lại đã đạt 80% so với thời điểm đó. Mặc dù Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách trong năm 2024 nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng vẫn thấy có dư địa để cải thiện hơn nữa, bao gồm mở rộng danh sách miễn thị thực.

Khác với các lĩnh vực bên ngoài, tăng trưởng doanh thu bán lẻ chưa lấy lại phong độ trước đại dịch. Theo ước tính của HSBC, chỉ số này vẫn còn thiếu hụt một mức đáng kể tương đương 10% so với xu hướng trước đại dịch. Tuy nhiên, bà Yun Liu cho rằng, trong bối cảnh sự phục hồi bên ngoài tiếp tục lan rộng, hiệu ứng lan tỏa rồi cũng sẽ tác động đến lĩnh vực trong nước, nhưng ảnh hưởng có khả năng trở nên rõ rệt hơn trong quý 4/2024.

Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024, nếu tình hình phục hồi tiếp tục lan rộng”, bà Yun Liu nhấn mạnh. Theo đó, với kết quả tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm, chuyên gia của HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm nay lên 6,5% so với dự báo trước đây là 6%. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023. Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia, Việt Nam cũng cần lưu ý rằng mức độ ổn định trong phục hồi thương mại và mức độ lan tỏa của sự phục hồi này sang lĩnh vực trong nước là các yếu tố cần theo dõi chặt chẽ.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục