Garmex Sài Gòn (GMC): Hãng may 47 tuổi muốn "lấn sân" sang mảng logictics, bất động sản và y tế

(Banker.vn) Garmex Sài Gòn đang sống trong những ngày tháng sóng gió, do ảnh hưởng từ sự cố Gilimex và tác động tiêu cực của thị trường may mặc. Vì vậy, HĐQT định hướng đa dạng hóa ngành hàng cho doanh nghiệp nhưng cũng thừa nhận chưa đủ mạnh để vượt qua khủng hoảng.
Garmex Sài Gòn (GMC): Hãng may 47 tuổi muốn

Thời cao điểm, doanh thu của Garmex Sài Gòn thường dao động từ 250 - 400 tỷ đồng/quý với quy mô vài nghìn nhân viên.

Công ty CP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC), thương hiệu may mặc được thành lập từ năm 1976 vừa công bố nghị quyết của HĐQT về việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2023, dự kiến diễn ra ngày 27/9 theo hình thức họp trực tuyến.

Theo đó, Garmex Sài Gòn muốn xin ý kiến cổ đông bổ sung 2 ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp gồm kho bãi và lưu giữ hàng hóa; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải như dịch vụ đại lý, giao nhận vận chuyển…

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Garmex Sài Gòn cũng đã xin bổ sung ngành nghề kinh doanh là bất động sản và y tế, đều là hướng đi khác biệt so với ngành may mặc cốt lõi của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Garmex Sài Gòn cũng lấy ý kiến ĐHĐCĐ nhằm thông qua nội dung miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Thế Hiếu theo nguyện vọng cá nhân của ông kể từ ngày 31/05/2023.

Đồng thời, ĐHĐCĐ sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2023 - 2028 đối với ông Trần Vũ. Theo thông tin công bố, ông Vũ sinh năm 1977, có trình độ Kỹ sư Kinh tế xây dựng, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Hiện, ông Vũ không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu GMC nào.

Ông Trần Vũ được Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải (cổ đông lớn nhất của Garmex Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 15,86% vốn) đề cử làm ứng viên tham gia HĐQT Garmex Sài Gòn cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2023 - 2028.

ĐHĐCĐ bất thường của Garmex Sài Gòn diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh rất "bi đát". Tính riêng quý II, doanh thu thuần chỉ đạt vỏn vẹn 101 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt hơn 125 tỷ đồng. Hệ quả, doanh nghiệp lỗ ròng 12,5 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Garmex Sài Gòn ở mức hơn 8 tỷ, giảm 97% và lỗ ròng hơn 33 tỷ (trong khi cùng kỳ lãi hơn 4 tỷ đồng). Tính tới thời điểm 30/6/2023, Garmex Sài Gòn nâng lỗ lũy kế lên hơn 54 tỷ đồng.

Thời cao điểm, doanh thu của Garmex Sài Gòn thường dao động từ 250 - 400 tỷ đồng/quý với quy mô vài nghìn nhân viên.

Tuy nhiên, lượng nhân sự của Garmex Sài Gòn cũng đang rơi xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 41 người tại cuối tháng 6/2023, giảm 144 người so với cuối tháng 3 và giảm 1.941 người so với đầu năm. Nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay, doanh nghiệp đã cắt giảm đến 3.769 nhân viên.

Ban lãnh đạo xác định, 2023 là năm khó khăn của kinh tế thế giới, của ngành may mặc, đơn hàng nhận được có giá trị thấp, sản xuất thua lỗ. Vì vậy, HĐQT định hướng đa dạng hóa ngành hàng cho doanh nghiệp nhưng cũng thừa nhận chưa đủ mạnh để vượt qua khủng hoảng...

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 5/9, giá cổ phiếu GMC giảm nhẹ 1,09% xuống mức 9.110 đồng/cp. Cổ phiếu này đang trong diện bị cảnh báo vì lỗ lũy kế.

Nỗi đau mang tên Gilimex

Nguyên nhân chính khiến bức tranh kinh doanh của Garmex Sài Gòn giảm sút trầm trọng do hụt thu từ đối tác là Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL).

6 tháng đầu năm 2022, Garmex Sài Gòn có khoản thu gần 224 tỷ đồng cho việc cung cấp đơn hàng cho Gilimex, nhưng cùng kỳ 2023 không có khoản thu này. Đây có thể là hệ quả kéo theo sau lùm xùm Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn liên đới.

Điểm lại lùm xùm của Gilimex với Amazon, năm 2022 thị trường khá bất ngờ khi Gilimex đệ đơn khởi kiện Amazon. Theo biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, Gilimex cho biết vụ kiện vẫn đang thực hiện các bước tiếp theo.

Được biết, Gilimex có một thỏa thuận lâu dài với Amazon để có thể mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của đối tác.

Theo đó, Gilimex đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất, xây dựng các kho chứa bằng thép và vải dùng để sắp xếp hàng tồn kho trong kho của đối tác. Doanh nghiệp tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hàng năm cho Amazon.

Tuy nhiên, vào tháng 4 và tháng 5/2022, Amazon "thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến" trong thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 xuống còn một phần nhỏ, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Nhìn lại giai đoạn kể từ khi trở thành đối tác của Amazon năm 2014 cho đến năm 2021, Gilimex đã liên tục ghi nhận mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận.

Cú giáng của Amazon khiến chỉ số kinh doanh Gilimex giảm mạnh, quý đầu năm 2023 thua lỗ kỷ lục. Theo đó, năm nay doanh nghiệp đang xúc tiến đẩy mạnh đầu tư mảng bất động sản khu công nghiệp và bắt đầu ghi nhận doanh thu vào 2023 - 2025.

Vietinbank rao bán lô đất và tài sản của một công ty may mặc hàng chục tỷ để thu hồi nợ

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã: CTG) - Chi nhánh 2 TP.HCM thông báo phát mãi tài sản bảo đảm của Công ...

BIDV tiếp tục rao bán khoản nợ của một công ty may mặc

Ngày 22/2/2023 tới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Bến Thành sẽ tổ chức bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty ...

Công ty May mặc 68 Toàn Cầu bị thu hồi hơn 19.000m2 đất

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định thu hồi khu đất rộng 19.219 m2 của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu May mặc 68 ...

Tân Mai

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán