Gắn hoạt động văn học với "hơi thở" phát triển của công nghiệp văn hoá

(Banker.vn) Cần nhìn hoạt động văn học như một lĩnh vực của công nghiệp văn hoá, không chỉ có sáng tác văn học, mà còn liên quan đến công nghệ và phát triển công chúng.
Công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp văn hóa, điện tử, Al

Quản lý và kiến tạo không gian rộng mở cho hoạt động văn học

Chiều 11/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học.

Theo báo cáo của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, văn học Việt Nam trong nhiều năm qua đã phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc; đồng thời, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Nhiều thế hệ nhà văn đã tạo ra các tác phẩm mang sứ mệnh gắn liền từng giai đoạn lịch sử, tiến trình phát triển của dân tộc; thể hiện được tâm hồn, trí tuệ, nhân cách, con người Việt Nam.

Văn học Việt Nam hiện nay đã đạt được sự đa dạng về đội ngũ sáng tác và đề tài, cũng như phương thức sáng tác, đúng định hướng chính trị, nền tảng tư tưởng của Đảng, sự chỉ đạo của Nhà nước đối với nền văn học nước nhà, khơi dậy và phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và đấu tranh chống tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch.

Gắn hoạt động văn học với
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Nghị định cần làm rõ trách nhiệm, tổ chức quản lý nhà nước ở cấp Trung ương, địa phương trong hoạt động văn học. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Vai trò của lý luận, phê bình văn học đã được phát huy, tác động nhiều mặt tới hoạt động sáng tác, định hướng thị hiếu và nâng cao trình độ thẩm mỹ của công chúng. Công tác nghiên cứu có nhiều đổi mới, khoa học, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những nền tảng lý thuyết, kinh nghiệm của thế giới.

Các trại sáng tác văn học, giải thưởng văn học đã góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, tôn vinh những tác phẩm có giá trị.

Trong khoảng mười năm trở lại đây, các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn học đã có những bước phát triển tích cực ở cả trong nước và ngoài nước; đáp ứng nguyện vọng tìm hiểu văn học Việt Nam, văn hóa Việt Nam của bạn bè quốc tế, góp phần hoàn thiện bức tranh văn học rộng lớn của nhân loại.

Các tác phẩm văn học được dịch sang tiếng Việt ngày càng phong phú về thể loại và đề tài, giúp người đọc Việt Nam tiếp cận toàn diện hơn, sâu sắc hơn với văn học thể giới, đồng thời tạo điều kiện cho văn học Việt Nam hòa nhập với văn học thế giới.

Đáng chú ý, không gian mạng đã tạo ra một phương thức công bố tác phẩm văn học mới, tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng dễ dàng tiếp cận, tăng cường quan hệ giao lưu giữa nhà văn, giới lý luận, phê bình và độc giả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về văn học còn bất cập, đặc biệt ở cơ sở. Nhận thức về vai trò của văn học ở nhiều cấp lãnh đạo, quản lý còn chưa đầy đủ dẫn tới hiệu quả đầu tư cho văn học còn thấp.

Hoạt động văn học đang được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, như: Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện, Luật An ninh mạng, nhưng vẫn còn những hoạt động văn học chưa được điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật riêng, như: Giao nhiệm vụ, tài trợ cho sáng tác văn học, dịch tác phẩm văn học, giới thiệu, quảng bá văn học, cuộc thi, trại sáng tác văn học, cơ chế trưng cầu chuyên gia trong việc thẩm định các vấn đề phát sinh trong đời sống văn học, cụ thể hóa những hành vi bị cấm trong lĩnh vực văn học...

Gắn hoạt động văn học với
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo

Một số lĩnh vực trong sáng tác về các đề tài mang tính chính luận, công cuộc đổi mới, lịch sử và chiến tranh cách mạng chưa đạt được yêu cầu, kì vọng; thiếu những tác phẩm có chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật, có tầm vóc lớn phản ánh lịch sử và hiện tại của đất nước.

Các hoạt động phê bình, lý luận lĩnh vực văn học, tổ chức trại sáng tác văn hoá, công tác quảng bá văn học, dịch văn học, phổ biến văn học trên không gian mạng… còn không ít bất cập, tồn tại.

Cần một cơ quan quản lý nhà nước về văn học

Đáng chú ý, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nêu thực tế từ nhiều năm nay chưa có một cơ quan quản lý nhà nước về văn học, nhất là trong phát hiện, xử lý, đấu tranh với các quan điểm sai trái trong văn học.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Nghị định về hoạt động văn học (Nghị định) nhằm tập trung một số chính sách khuyến khích, thúc đẩy văn học phát triển: Cơ chế giao nhiệm vụ sáng tác văn học, lý luận, phê bình văn học; trại sáng tác văn học; tổ chức cuộc thi, giải thưởng văn học; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học đến công chúng, phát huy giá trị văn học Việt Nam.

Gắn hoạt động văn học với
TS. Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tại cuộc họp, các ý kiến đã tập trung làm rõ cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, sự cần thiết ban hành Nghị định.

TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao việc soạn thảo Nghị định sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, toàn diện cho sự phát triển văn học nghệ thuật.

"Văn học là một lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, nên cách ứng xử, quản lý cũng phải đặc biệt tinh tế, dựa trên quan điểm xây dựng nền văn học tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vì sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", ông Bùi Hoài Sơn trao đổi và cho rằng, cần nhìn hoạt động văn học như một lĩnh vực của công nghiệp văn hoá, không chỉ có sáng tác văn học, mà còn liên quan đến phê bình, phổ biến, phát triển công chúng.

Bên cạnh đó, Nghị định cần tính đến những vấn đề mới liên quan đến hoạt động văn học, như: Văn học trên mạng, bảo đảm mọi người dân có thể tham gia vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn học, nhất là những nhóm đối tượng yếu thế, sự xuất hiện của tác phẩm văn học do trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tạo...

Gắn hoạt động văn học với
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trao đổi về những chính sách quan trọng trong phát triển hoạt động văn học - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đánh giá cao quá trình soạn thảo Nghị định, Phó Thủ tướng cho rằng, trong quá trình xây dựng cần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực văn học; chỉ rõ những hạn chế, tồn tại đang đặt ra với văn hóa nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng. Từ đó, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch trao đổi với các cơ quan chuyên môn để xác định phạm vi điều chỉnh toàn diện các vấn đề về sáng tác, bảo vệ bản quyền tác giả, phê bình, lý luận; quản lý chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học; các hình thức quảng bá văn học trên không gian mạng…

Về các nhóm chính sách, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị định phải tạo không gian thúc đẩy sáng tạo, phát triển văn học, tạo cảm hứng cho các tác giả, trên cơ sở bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị, giữ gìn giá trị văn hoá, thuần phong mỹ tục, gắn với sự phát triển của đất nước.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương