Gần 90% ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận năm 2023 tăng trưởng dương

(Banker.vn) Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 2/2023.

Lợi nhuận ngân hàng quý I/2023: “Big 4” chậm lại, 2 nhà băng tăng trưởng âm

NHNN có động thái mới: Lần đầu giảm giá bán USD trong năm 2023

Đánh giá triển vọng cả năm nay, có 88,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương so với năm ngoái. Các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống sẽ giảm nhẹ.

Theo đánh giá của các TCTD, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý 1/2023 có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng. Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý 2/2023 trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng đang có sự “cải thiện”. Ảnh minh họa
Theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng đang có sự “cải thiện”. Ảnh minh họa

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý 1/2023 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” và đã có sự cải thiện rõ rệt so với quý 4/2022. Các TCTD dự báo, tình hình thanh khoản sẽ giữ ổn định trong quý 2/2023 và tiếp tục được cải thiện trong năm 2023 so với năm 2022.

Về mặt bằng lãi suất, các TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08 - 0,1 điểm phần trăm trong quý 2/2023 và giảm nhẹ 0,19 - 0,34 điểm phần trăm trong cả năm 2023.

Theo kết quả cuộc điều tra, trái với dự kiến tăng lãi suất biên trong quý 1/2023 của 32,7% TCTD ở cuộc điều tra kỳ trước, kỳ này, các TCTD đã giữ ổn định lãi suất biên và phí dịch vụ trong quý 1/2023.

Đúng như dự báo ở kỳ điều tra trước, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định tiếp tục tăng nhẹ trong quý 1/2023 và dự báo xu hướng tăng nhẹ trong năm 2023, nhưng tốc độ tăng kỳ vọng chậm lại so với các năm trước. Cụ thể, 36,5% TCTD dự báo mặt bằng rủi ro “ổn định”, 21,2% dự báo “giảm” và 42,3% TCTD dự báo mức độ rủi ro chung của các nhóm khách hàng “tăng” trong năm 2023 so với năm 2022 trong đó cần quan tâm nhóm công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý 2/2023 và tăng 9,2% trong năm 2023, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 10% tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4% trong quý 2/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.

Tại cuộc điều tra này, các TCTD nhận định “tăng nhẹ” tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý 1/2023, nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong quý 2/2023.

Theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý 1/2023 có sự “cải thiện” nhưng tốc độ cải thiện chậm lại so với quý trước. Các TCTD đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý 1/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.

Mặc dù vậy, 66,7-79,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 2 và cả năm 2023; 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ trước), bên cạnh đó, vẫn có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Bên cạnh đó, trong quý 1/2023, các TCTD tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng. “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý 1/2023 và cả năm 2023.

Theo nhận định của các TCTD, tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính ngân hàng trong quý 1/2023 mặc dù tiếp tục cải thiện so với quý trước nhưng chưa đạt mức kỳ vọng. Chỉ số cân bằng trong quý ở mức 14%, thấp hơn so với chỉ số cân bằng dự kiến (18,8%) và chỉ số cân bằng trong quý 4/2022 (18,5%). Các TCTD kỳ vọng tình hình lao động sẽ diễn biến khả quan hơn trong quý 2/2023 và cả năm 2023.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán