"Gã khổng lồ" ngành bán lẻ Walmart đến Việt Nam tìm kiếm nhà cung ứng

(Banker.vn) "Vua bán lẻ" nước Mỹ - Walmart đang thực hiện những bước đi tiếp theo trong kế hoạch tìm kiếm nguồn cung ứng từ thị trường Việt Nam.
Walmart tìm đối tác cung ứng cho 6 ngành hàng chính, bao gồm: quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), bắt đầu từ ngày mai 13/9, hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ như Walmart, Amazon, Boeing, AES sẽ có mặt tại TP. Hồ Chí Minh để tham dự chuỗi sự kiện cung ứng hàng hoá quốc tế - Việt Nam International Sourcing 2023. Chuỗi sự kiện do ITPC phối hợp Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức, kéo dài 2 ngày.

Được biết, đoàn Walmart sẽ do ông Avineesh Gupta, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung hàng dệt may và hàng tiêu dùng nhanh sẽ dẫn đầu. Dự kiến, chiều ngày 14/9, ông Gupta sẽ có bài tham luận về xu hướng tiêu dùng toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng quốc tế và vai trò của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Sau phần trình bày của lãnh đạo Walmart, các nhà cung ứng Việt Nam sẽ có cơ hội kết nối trực tiếp với Tập đoàn bán lẻ này tại hội thảo.

“Vua bán lẻ” nước Mỹ mong muốn tìm đối tác cung ứng cho 6 ngành hàng chính, bao gồm: quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Đáng chú ý, trước đó, Walmart đã có buổi tiếp xúc và làm việc với Bộ Công thương. Cụ thể, chiều ngày 25/5, trong khuôn khổ chương trình công tác tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gặp gỡ và trao đổi với bà Sarah Thorn, Giám đốc cấp cao, phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu của Tập đoàn bán lẻ Walmart.

Theo bà Sarah Thorn, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart với các sản phẩm chủ lực gồm các mặt hàng dệt may, đồ gia dụng, điện tử và thực phẩm chế biến sẵn.

Quốc gia Đông Nam Á được coi là trọng điểm sản xuất, cung ứng hàng hóa cho chuỗi đại siêu thị hàng đầu nước Mỹ với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD.

Hiện tại, Walmart đang có 30 trung tâm tìm kiếm, thu mua hàng hóa đặt tại 17 quốc gia khác nhau. Các văn phòng này tự xây dựng chiến lược riêng cho từng khu vực thị trường, quản lý quan hệ với hơn 2.400 nhà cung ứng lớn, hơn 4.000 nhà máy và vận chuyển khoảng hơn 500.000 container hàng hóa mỗi năm để cung cấp cho hệ thống phân phối của Walmart trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa chính thức đầu tư xây dựng và phát triển các trung tâm phân phối và siêu thị nhưng Walmart đã mở văn phòng đại diện từ năm 2013 với hơn 300 nhân viên chịu trách nhiệm tìm kiếm nguồn hàng và phát triển hệ thống cung ứng.

Để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi, đó là xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistic, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm

Theo Walmart, yếu tố quan trọng nhất mà Tập đoàn này sử dụng để đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam là năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Nói thêm về Việt Nam International Sourcing 2023, sự kiện này sẽ sự tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Về phía các doanh nghiệp Mỹ, không chỉ có Walmart, một “gã khổng lồ” khác trong ngành bán lẻ là Amazon cũng sẽ góp mặt để kết nối giao thương. Cùng với đó là sự hiện diện của hai tập đoàn công nghiệp, năng lượng lớn của Mỹ là Boeing và AES tại sự kiện trong Diễn đàn “Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp - năng lượng Hoa Kỳ”. Được biết, đại diện Boeing sẽ có bài chia sẻ với chủ đề “Việt Nam - địa điểm tiềm năng trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hàng không”.

Về phía các doanh nghiệp nước ngoài khác tham dự chuỗi sự kiện, có thể kể đến những “tên tuổi” đình đám như Aeon và Uniqlo của Nhật Bản, Carrefour và Decathlon của Pháp, Central Group của Thái Lan, Coppel của Mexico, IKEA của Thụy Điển, LuLu của UAE,…

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tháng 8/2023, Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong xuất khẩu hàng hóa, với kim ngạch đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.

Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn giảm 10% so với cùng kỳ, xuống còn 227,71 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 19%.

Do đó, chuỗi sự kiện tới đây được kỳ vọng sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể ký kết thêm hợp đồng xuất khẩu mới.

Trót tích trữ hàng hóa quá nhiều, doanh nghiệp Mỹ “sale sập sàn”

Target, Walmart, Best Buy, Urban Outfitters và nhiều doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại Mỹ cho biết họ đang ngồi trên một “núi” hàng ...

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau cảnh báo lợi nhuận của Walmart

Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày 26/7 sau khi Walmart hạ dự báo lợi nhuận, khiến các cổ phiếu bán lẻ khác suy giảm ...

Bắt trend AI cùng cổ phiếu Mỹ

Lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo) đang là một 'miền đất hứa' chưa được khai phá. Chính vì vậy, việc hiểu rõ hơn về ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán