Fubon FTSE Vietnam ETF gom mạnh cổ phiếu Việt, tập trung HPG

(Banker.vn) Trong năm 2022, nhiều quỹ đầu tư huy động thêm lượng tiền mới để giải ngân mua ròng cổ phiếu Việt Nam, trong số đó, quỹ Đài Loan Fubon FTSE Vietnam ETF là một cái tên nổi bật nhất.

Phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2022 kết thúc bằng một phiên giảm điểm nhẹ, VN-Index chốt năm ở mức 1.007,09 điểm, với điểm số này VN-Index kết thúc năm giảm - 491,19 điểm (- 32,78%) so với năm 2021. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 14 năm và cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử chỉ sau năm 2008.

Fubon FTSE Vietnam ETF gom mạnh cổ phiếu Việt, tập trung HPG
Fubon FTSE Vietnam ETF mua ròng trong toàn bộ 12 tháng của năm 2022 với tổng giá trị 12.500 tỷ đồng (tương ứng gần 528 triệu USD). Hình minh họa

Như vậy, thị trường chứng khoán Việt nam trong năm 2022 chủ yếu vận động trong xu hướng giảm điểm. Kết thúc một năm giao dịch đầy biến động với kết quả kém khả quan nhưng ở những tuần cuối năm 2022, một số tín hiệu tích cực bắt đầu hình thành để có thể hy vọng thị trường bước vào năm mới 2023 với kỳ vọng khả quan hơn đó là khối ngoại liên tục mua ròng, nhiều cổ phiếu chủ chốt đã bước vào giai đoạnh tích lũy chờ thời cơ.

Trong năm 2022, khối ngoại đã mua ròng tới hơn 1,05 tỷ cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt gần 29,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 1,25 tỷ USD. Đây là năm mua ròng mạnh thứ 2 trong 10 năm qua, chỉ thua năm 2018 mua ròng hơn 41,78 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm, khối này đã mua ròng khủng, lên tới hơn 30,2 nghìn tỷ đồng, với sự đóng góp chính là trên sàn HOSE đạt hơn 28,8 nghìn tỷ đồng, lần lượt mua ròng 15,98 nghìn tỷ đồng trong tháng 11 và mua ròng gần 12,82 nghìn tỷ đồng.

Tương tự với HOSE, sàn HNX cũng được khối ngoại mua ròng trong năm 2022 với 1.995 tỷ đồng, ngược lại với 2.545 tỷ đồng bán ròng trong năm 2021. Trong đó, khối ngoại đã mua ròng với giá trị lớn nhất là tháng 11, đến 780 tỷ đồng.

Fubon ETF mạnh tay giải ngân khi VN-Index điều chỉnh

Trong năm 2022, nhiều quỹ đầu tư huy động thêm được lượng tiền mới để giải ngân mua ròng cổ phiếu Việt Nam. Trong số đó quỹ Đài Loan Fubon FTSE Vietnam ETF là một cái tên nổi bật nhất.

Cụ thể, Fubon FTSE Vietnam ETF mua ròng trong toàn bộ 12 tháng của năm 2022 với tổng giá trị 12.500 tỷ đồng (tương ứng gần 528 triệu USD). Giá trị mua ròng của quỹ ngoại này tương đương gần 43% giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Hoạt động giải ngân của Fubon FTSE Vietnam ETF xu hướng sôi động hơn khi VN-Index nhịp điều chỉnh sâu.

Trong quý I/2022 khi VN-Index giao dịch trong vùng 1.400 - 1.500 điểm, quỹ Đài Loan giải ngân khoảng 57 triệu USD, trong đó tháng 2 và 3 chỉ đạt lần lượt là 0,92 triệu USD và 6,4 triệu USD.

Quy mô mua ròng từ Fubon FTSE Vietnam tiếp tục gia tăng lên gần 171 triệu USD trong quý II khi VN-Index điều chỉnh từ 1.500 điểm xuống 1.200 điểm. Nhưng thị trường hồi phục trong quý III, lượng giải ngân thu hẹp xuống còn hơn 33 triệu USD.

Trong quý IV/2022, thị trường lao dốc, chỉ số có thời điểm xuống dưới 900 điểm do ảnh hưởng từ làn sóng giải chấp, tín hiệu tiêu cực từ thị trường trái phiếu cộng hưởng thông tin vĩ mô kém sắc. Khi đó lượng vào ròng của Fubon FTSE Vietnam ETF lại tăng vọt lên hơn 267 triệu USD, đánh dấu quý mua ròng mạnh nhất trong gần 2 năm hoạt động tại Việt Nam.

Riêng trong tháng 11 và 12, giá trị mua ròng của quỹ Fubon FTSE Vietnam lần lượt đạt 116,4 triệu USD và 96,1 triệu USD.

Động thái giải ngân của Fubon FTSE Vietnam ETF là điểm sáng trong bối cảnh thị trường lao dốc, hiệu suất đầu tư của quỹ cũng không mấy tích cực. Tỷ suất lợi nhuận kể từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam của quỹ (16/4/2021) là – 27,83%. Kể từ đầu năm 2022, hiệu suất của quỹ là – 38,14%. Kết quả này kém hơn so với một số quỹ chủ động có quy mô lớn trên thị trường như VEIL của Dragon Capital, VOF của VinaCapital hay Pyn Elite Fund.

Ông Yang Yining, nhà quản lý Fubon FTSE Vietnam ETF cho rằng, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối tháng 9/2022 chủ yếu tới từ áp lực bán giải chấp cổ phiếu tại nhóm bất động sản, cộng thêm bối cảnh lãi suất điều hành tăng mạnh. Dù vậy, sau những động thái quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền nhằm thanh lọc và minh bạch thị trường, quỹ Fubon tự tin thị trường chứng khoán sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng hợp lý.

Fubon ETF đánh giá, VN-Index đã điều chỉnh về sát với đường trung bình 10 năm, độ lệch chuẩn trong ngắn hạn là lớn và các khía cạnh kỹ thuật đều cho thấy những tín hiệu tích cực. Định giá P/E cũng đã giảm xuống mức thấp lịch sử và tạo cơ hội tốt cho một sự phục hồi mạnh từ vùng đáy ngắn hạn.

“Đây quả thực là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Yang Yining, nhà quản lý quỹ Fubon FTSE nhấn mạnh.

Quỹ ngoại này bày tỏ quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam với yếu tố vĩ mô duy trì ổn định. CPI tháng 10 của Việt Nam công bố đạt 4,5%, cao hơn mục tiêu chính sách 4% của Chính phủ. Do đó, vẫn có khả năng lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12, tuy nhiên trong bối cảnh đồng USD bắt đầu hạ nhiệt và FED phát đi những tín hiệu về việc giảm cường độ tăng lãi suất của Mỹ, quỹ Fubon kỳ vọng chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ không tác động quá tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Fubon đánh giá, dòng vốn ngoại sẽ còn tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam nếu thị trường được nâng hạng vào danh sách thị trường mới nổi trong thời gian tới.

Trên thực tế, lượng nhà đầu tư vào quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF tăng từ 67.480 thời điểm cuối tháng 4/2021 lên 135.061 cuối tháng 11/2022. Con số này không ngừng gia tăng bởi quỹ vẫn huy động thêm lượng tiền mới trong tháng cuối năm nay.

Cổ phiếu nào được để mắt?

Trở lại với giao dịch của quỹ, Fubon FTSE Vietnam ETF mô phỏng theo chỉ số tham chiếu rổ FTSE Vietnam. Tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục cũng được xây dựng theo rổ chỉ số này. Thời điểm cuối năm 2022, danh mục của Fubon FTSE Vietnam ETF gồm 30 cổ phiếu trong đó có 4 mã chiếm tỷ trọng trên 10% trong danh mục gồm VIC, VHM, VNM và MSN. Top10 khoản đầu tư lớn nhất còn có HPG, VCB, VRE, SSI và VJC với tỷ trọng 3 – 10 %.

Trong năm 2022, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF mua ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với khối lượng gần 73,3 triệu cổ phiếu, tiếp theo là SHB (29,5 triệu cổ phiếu), SSI (27,6 triệu cổ phiếu). Những mã khác cũng được mua ròng trên 10 triệu cổ phiếu còn có VHM, VIC, VND, VRE, VNM, NVL, MSN, SBT, STB và VCB.

Ở chiều bán ra, ba cổ phiếu bị bán là VHC, HSG và ACB do bị loại khỏi rổ cổ phiếu FTSE Vietnam.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán