FTA: Cú hích tăng tốc cho Hàn Quốc, Nhật Bản - Việt Nam đã sẵn sàng?

(Banker.vn) Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, việc áp dụng các mô hình hỗ trợ SMEs từ các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi ích từ FTA.
Thương hiệu Việt và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi tham gia các FTA Xúc tiến thương mại, tận dụng xung lực từ các FTA Khai thác hiệu quả FTA: ‘Chìa khoá’ để doanh nghiệp vượt sóng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra cánh cửa lớn cho doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, để biến những ưu đãi thuế quan và cơ hội tiếp cận thị trường thành lợi thế thực sự, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực và đồng bộ.

Nhiều quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đã sớm xây dựng các mô hình hỗ trợ chuyên biệt giúp SME tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA, từ tư vấn, đào tạo đến số hóa quy trình chứng nhận xuất xứ. Việt Nam với gần 98% doanh nghiệp là SME hoàn toàn có thể học hỏi những kinh nghiệm quý báu này để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và tận dụng hiệu quả hơn các hiệp định mà mình đã ký kết.

​Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có khoảng 940.078 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp. Ảnh minh họa
​Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có khoảng 940.078 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ SME tận dụng các FTA. Đặc biệt, nước này đã thành lập SME FTA Support Center - một trung tâm hỗ trợ chuyên biệt cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo và hỗ trợ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trung tâm giúp các doanh nghiệp nắm rõ quy tắc xuất xứ, điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan cũng như cách điền và nộp các giấy tờ cần thiết.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn triển khai các giải pháp hỗ trợ linh hoạt như dịch vụ tư vấn di động YES FTA, hệ thống quản lý xuất xứ điện tử FTA-PASS và ứng dụng SMART FTA. Các công cụ này giúp SME tiếp cận thông tin thuế quan, quản lý dữ liệu sản phẩm và phát hành chứng nhận xuất xứ một cách dễ dàng và chính xác. Nhờ vậy, doanh nghiệp không chỉ tránh được rủi ro pháp lý và rào cản kỹ thuật, mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường ra quốc tế.

Mô hình của Hàn Quốc là một ví dụ điển hình cho việc hỗ trợ SME hội nhập sâu vào thương mại toàn cầu thông qua các FTA - điều mà nhiều quốc gia đang nỗ lực học hỏi và áp dụng.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Nhằm giúp các SME tận dụng hiệu quả các FTA, đặc biệt là các Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA), Chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ toàn diện và thiết thực.

Trước tiên, EPA Info Desk - một trang thông tin do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) ủy quyền cung cấp cái nhìn tổng quan về các EPA mà Nhật Bản đã ký kết. Tại đây, SME có thể tiếp cận các video hướng dẫn, nội dung đào tạo trực tuyến và dịch vụ tư vấn trực tuyến nhằm hiểu rõ cách áp dụng EPA vào hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Tổ chức Thương mại ngoài nước tại Nhật Bản (JETRO) vận hành một cổng thông tin EPA/FTA toàn diện, cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng EPA, thủ tục cần thiết, cơ sở dữ liệu FTA toàn cầu, thông tin về hội thảo, cùng với dịch vụ tư vấn trực tiếp. Một điểm nổi bật là công cụ “Certificate of Origin Navigation” - chứng nhận xuất sứ hàng hóa, giúp SME chuẩn bị tài liệu chứng minh xuất xứ hàng hóa nhanh chóng và chính xác - bao gồm phân loại mã HS, tính toán giá trị gia tăng và chuẩn bị các chứng từ thương mại như hóa đơn hay packing list.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) cũng hỗ trợ SME trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản thông qua cổng thông tin dễ hiểu về EPA và công cụ "Hướng dẫn nhanh về mức thuế", giúp doanh nghiệp tra cứu mức thuế ưu đãi theo từng quốc gia đích.

Không dừng lại ở đó, từ tháng 9/2020 đến tháng 5/2022, Nhật Bản đã tổ chức 52 hội thảo chuyên đề về EPA với gần 8.000 lượt tham dự. Những hội thảo này, cùng với các sự kiện do JETRO, phòng thương mại và các tổ chức liên quan tổ chức, đã góp phần nâng cao hiểu biết và khả năng ứng dụng EPA vào thực tiễn kinh doanh của SME.

Việt Nam tận dụng FTA như thế nào?

Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có khoảng 940.078 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó SME chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp. Khu vực SME đóng góp khoảng 45% GDP và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của cả nước.

Theo số liệu từ Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện FTA Index năm 2024, mặc dù Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với hơn 60 đối tác trên toàn cầu, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi từ FTA vẫn còn thấp. Thêm vào đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2023 đạt 86,1 tỷ USD, chiếm 37,35% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA . Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là SME, chưa khai thác hết tiềm năng mà các FTA mang lại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc SME Việt Nam chưa tận dụng hiệu quả các FTA:

Thiếu thông tin và hiểu biết về FTA: Nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về các FTA, các cam kết cụ thể và cách thức tận dụng ưu đãi thuế quan.​

Hạn chế về nguồn lực: SME thường thiếu nguồn lực về tài chính, nhân lực và công nghệ để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và lao động theo các FTA.​

Thiếu kết nối với các thị trường lớn: SME gặp khó khăn trong việc tiếp cận và xây dựng mạng lưới phân phối tại các thị trường quốc tế, hạn chế khả năng mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.

Bài học mở cho Việt Nam

Để SME Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả các FTA, cần có một số cải cách và sáng kiến sau:

Thứ nhất, thành lập trung tâm FTA hỗ trợ SME theo mô hình “cầm tay chỉ việc”: Tương tự như SME FTA Support Center của Hàn Quốc, Việt Nam cần thành lập một trung tâm chuyên trách giúp SME hiểu và tận dụng các lợi ích của FTA. Trung tâm này sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo về các quy định của FTA, hỗ trợ chứng nhận xuất xứ và các thủ tục liên quan, đồng thời giải đáp các thắc mắc về thủ tục hải quan và yêu cầu xuất khẩu.

Thứ hai, đưa SME vào các chương trình xúc tiến thương mại có yếu tố FTA: Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đặc biệt dành riêng cho SME, giúp họ tiếp cận thị trường quốc tế thông qua các hiệp định FTA. Các chương trình này có thể bao gồm hỗ trợ tài chính cho việc tham gia hội chợ triển lãm quốc tế, xây dựng kênh phân phối xuất khẩu và kết nối với các nhà nhập khẩu.

Thứ ba, ưu đãi tài chính, thuế cho SME có hoạt động xuất khẩu theo FTA: Chính phủ cần xây dựng các cơ chế ưu đãi tài chính và thuế dành riêng cho SME có hoạt động xuất khẩu theo các FTA, giúp các doanh nghiệp nhỏ giảm bớt chi phí và tạo động lực cho họ gia tăng xuất khẩu.

Thứ tư, đầu tư vào đào tạo và tư vấn chuyên sâu: Nhật Bản tổ chức các chương trình huấn luyện, tư vấn thực tiễn cho từng ngành nghề, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp xuất khẩu.

Các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đã thành công trong việc hỗ trợ SME tận dụng các FTA thông qua các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Việt Nam cần học hỏi và áp dụng các mô hình này để giúp các SME phát triển bền vững và vươn ra thế giới. Cải cách này sẽ không chỉ giúp SME tận dụng các cơ hội từ FTA mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế Việt Nam.

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục