Fed sẽ cắt giảm bao nhiêu điểm phần trăm lãi suất?

(Banker.vn) Trong báo cáo chuyên đề công bố mới đây, bộ phân phân tích của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS Research) đã đưa ra dự báo về động thái của FED trong kỳ họp tới.

Cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến diễn ra vào ngày 17-18/9 sắp tới có thể là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm trên thị trường tài chính quốc tế, với kỳ vọng rằng cơ quan này sẽ thực hiện việc hạ lãi suất lần đầu tiên, sau chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu từ ngày 17/03/2022.

Fed sẽ cắt giảm bao nhiêu điểm phần trăm lãi suất?

Lãi suất quỹ liên bang là lãi suất giữa các ngân hàng thương mại cho vay với nhau, được đặt ra bởi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Đây là một trong những công cụ quan trọng của Cục Dự trữ liên bang để định hướng chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, qua đó điều tiết nền kinh tế với mục tiêu chính là điều chỉnh giá cả và tối đa việc làm. Thông qua lãi suất, Fed có thể điều chỉnh chi phí vay vốn trong nền kinh tế, từ đó tác động đến nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ nói chung.

Thông thường, Fed họp khoảng 8 lần một năm để đánh giá và quyết định về việc điều chỉnh lãi suất. Tần suất và lựa chọn điều chỉnh lãi suất tăng hay giảm thường phụ thuộc vào tình hình kinh tế và mục tiêu chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ. Khi Fed dự báo rằng nền kinh tế đang tiến gần đến suy thoái, họ có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế trong ngắn hạn bằng cách giảm chi phí vay vốn cho các ngân hàng thông qua việc hạ lãi suất quỹ liên bang.

Trong các giai đoạn kinh tế phát triển mạnh và lạm phát tăng cao, Fed có xu hướng tăng lãi suất thường xuyên hơn để kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, Fed có thể có hành động cắt giảm lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho các ngân hàng qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế. Kể từ năm 1954, có tổng cộng 15 chu kỳ Fed giảm lãi suất, trong đó có 5 đợt điều chỉnh lớn liên quan đến các sự kiện là cú sốc toàn cầu hoặc khủng hoảng tài chính.

Fed sẽ cắt giảm bao nhiêu điểm phần trăm lãi suất?
Thống kê các chu kỳ giảm lãi suất của Fed từ năm 1990

Ngày 23/8, trong bài phát biểu của mình tại hội nghị Jackson Hole 2024, chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra tín hiệu khá rõ ràng về việc cắt giảm lãi suất khi các điều kiện kinh tế đã trở nên đỡ căng thẳng hơn so với tình hình trước đại dịch.

“Nhìn chung, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc. Nhưng dữ liệu về lạm phát và thị trường lao động cho thấy tình hình được cải thiện. Các rủi ro do lạm phát tăng cao đã không còn. Tuy nhiên các rủi ro do sự suy yếu của thị trường lao động tăng lên. Như chúng tôi đã nhấn mạnh trong tuyên bố FOMC cuối cùng của mình, cả hai rủi ro này đều được nằm trong nhiệm vụ kép của chúng tôi. Đã đến lúc chính sách cần điều chỉnh. Hướng đi đã rõ ràng, và thời gian cũng như tốc độ giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu mới, triển vọng đang phát triển và sự cân bằng của các rủi ro”.

Với bài phát biểu của mình, mặc dù Powell chưa khẳng định tương đối chắc chắn về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9, ông không đề cập về những gì sẽ xảy ra sau tháng 9, mà chỉ lưu ý thời gian và tốc độ giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu mới.

Tại thời điểm này, thị trường lao động Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể so với trước đây, với tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 gia tăng lên mức 4,3%, mức cao nhất từ tháng 10/2021 trong khi các các con số lạm phát thể hiện xu hướng giảm xuống mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, với các dữ liệu mới tháng 8 mới nhất được báo cáo, câu hỏi đặt ra cho Fed vẫn là liệu các điều kiện thị trường lao động có dừng lại ở mức “bình thường” hay chuyển thành tình trạng mà trong biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (Federal Open Market Committee – FOMC) gần đây nhất miêu tả là “suy thoái nghiêm trọng”.

ABS Research dự báo Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản với các lý do sau:

(i) Trong khi báo cáo việc làm gần đây nhất cho thấy thị trường lao động tiếp tục có dấu hiệu chậm lại, đó không phải là một sự sụt giảm lớn ở mức chỉ báo cho một cuộc suy thoái, đến mức Fed cần cắt giảm sâu lãi suất;

(ii) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của tháng 8, loại bỏ các chi phí thực phẩm và khí đốt, đã tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn kỳ vọng của thị trường là 0,2%. Do đó, Fed vẫn cần phải thận trọng trong quá trình hạ lãi suất để tránh thúc đẩy lạm phát quay lại;

(iii) Việc cắt giảm 50 điểm cơ bản lần này có thể gây xáo trộn mạnh một cách không cần thiết trên thị trường tiền tệ ngắn hạn, nhất là sau khi đường cong lãi suất đã không còn đảo ngược như trước.

Ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất?

Theo khảo sát mới nhất, mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đang được các nhà băng áp dụng dao động từ 3 ...

Chứng khoán Mỹ và toàn cầu hưởng lợi gì từ quyết định cắt giảm lãi suất của Fed?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, điều này sẽ tác động lớn ...

Giá xăng dầu quốc tế tăng nhẹ sau bão: Tín hiệu tích cực cho nhà đầu tư năng lượng?

Giá xăng dầu hôm nay trong nước chưa có sự điều chỉnh. Vào tuần trước, các mặt hàng này ghi nhận lần điều chỉnh giảm ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán