Eximbank lại triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021

(Banker.vn) Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) vừa thông qua nghị quyết về vệc tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần hai và ĐHĐCĐ bất thường.

Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần hai dự kiến được tổ chức vào sáng ngày 29/7 tại Hà Nội.

Theo điều lệ hiện tại của Eximbank, ĐHĐCĐ lần hai chỉ được tiến hành khi có thành viên tham dự là các cổ đông và những đại diện được ủy quyền dự họp đại diện cho ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đồng thời, sau đấy một ngày (30/7), ngân hàng sẽ tiếp tục họp ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu triệu tập của nhóm cổ đông ngày 12/3 vừa qua. Eximbank đã chốt danh sách cổ đông tham dự cuộc họp bất thường vào ngày 14/5.

Tại hai cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên gần đây nhất, các nhóm cổ đông của Eximbank vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, mâu thuẫn tiếp tục đẩy lên cao.

Hôm 26/4 vừa qua, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần ba, dù có tỷ lệ tham dự tới gần 95%, nhưng cuộc họp đã không thể diễn ra khi phần phần lớn các cổ đông đã không thông qua quy chế tiến hành họp.

Tại đại hội, Eximbank đã công bố danh sách đề cử nhân sự dự kiến làm thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).

Tới hôm 27/4, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 tiếp tục không thể diễn ra khi không đủ túc số tham dự.

Trước đó vài ngày, Eximbank còn cho biết đã nhận được kiến nghị của hai nhóm cổ đông về việc miễn nhiệm hàng loạt các thành viên HĐQT.

Một nhóm cổ đông chiếm 10,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề nghị miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng. Nhóm còn lại sở hữu 11,2% tổng số cổ phần đề nghị miễn nhiệm ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Duy nhất, ông Nguyễn Quang Thông không có tên trong danh sách đề nghị miễn nhiệm của hai nhóm cổ đông trên.

Về kết quả kinh doanh, trong quý I, nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần đạt 818 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư cũng giảm tới 22,5% xuống 22,6 tỷ đồng.

Mặt khác, mảng dịch vụ và kinh doanh ngoại hối lại có sự khởi sắc, lần lượt đem về cho ngân hàng 132 tỷ và 95 tỷ đồng lãi thuần, tăng 75% và 78% so với quý I/2020. Ngoài ra, lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác cũng đạt mức tăng 14%, đóng góp 41,6 tỷ đồng.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 1.110 tỷ đồng, tăng 5,5%. Cùng với đó, nhờ cắt giảm được 8,2% chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 26% lên 533 tỷ đồng.

Song, trái ngược với việc hoàn nhập trong cùng kỳ năm trước, Eximbank đã trích tới 319 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro trong quý I/2021; qua đó, trở thành nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sụt giảm mạnh trong kỳ.

Đáng chú ý, trong ba tháng đầu năm, Eximbank đã mua lại toàn bộ nợ bán cho VAMC. Vào cuối năm ngoái, số dư trái phiếu VAMC của Eximbank là hơn 2.032 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 3/2021, tổng tài sản của Eximbank là 160.953 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 105.032 tỷ đồng, tăng 4,2%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 1,7%, đạt 136.146 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 9,2% lên 2.767 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 2,51% lên 2,63%.

Diễn biến giá cổ phiếu EIB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán