EVNFinance (EVF) lãi gần 79 tỷ đồng trong quý III, tăng cường cho vay lĩnh vực xây dựng |
Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance, HOSE: EVF) vừa công bố báo cáo tài chính quý III, trong đó ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 185 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ thu nhập phi tín dụng có sự chuyển biến tích cực, ngoài hoạt động dịch vụ không còn lỗ như cùng kỳ (có lãi 18 tỷ đồng), hoạt động khác của EVNFinance còn tạo ra thêm 51,4 tỷ đồng lãi thuần (tăng 19 lần so với cùng kỳ), giúp cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 165 tỷ đồng, tăng trưởng 7,5% cùng kỳ.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đáng kể so với quý III/2021, từ 42,4 tỷ đồng lên gần 68 tỷ đồng, chủ yếu là tăng chi phí dự phòng chung phát sinh từ việc tăng quy mô vốn tín dụng.
Điều này đã khiến lợi nhuận sau thuế của EVNFinance tăng trưởng âm trong quý III, đạt 78,6 tỷ đồng, thấp hơn 10 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty tài chính này đạt 242 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng giai đoạn năm trước. Tính ra, doanh nghiệp đã hoàn thành 73% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ban lãnh đạo cho biết, trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng quy mô hoạt động trong tất cả các lĩnh vực nguồn vốn, cho vay, dịch vụ... đồng thời tăng cường công tác kiểm soát chi phí, hướng tới mục tiêu chinh phục kế hoạch đã đặt ra cho cả năm.
Đẩy mạnh cho vay lĩnh vực xây dựng
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của EVNFinance ghi nhận hơn 39.247 tỷ đồng, tăng 21% so với hồi đầu năm. Về nguồn vốn huy động, tiền gửi của khách hàng gần như đi ngang với 4.665 tỷ đồng; đáng chú ý, phát hành giấy tờ có giá tăng rất mạnh lên 10.744 tỷ đồng, tăng 77% sau 9 tháng, chiếm 27% nguồn vốn.
Tính đến hết quý III, EVNFinance cho vay khách hàng đạt 20.030 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Doanh nghiệp đang trích lập dự phòng rủi ro 318 tỷ đồng cho danh mục này, tăng gần 59% so với đầu năm.
Về dư nợ cho vay theo ngành, lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí có dư nợ là 5.200 tỷ đồng, gần như không biến động so với đầu năm.
Đặc biệt, dư nợ lĩnh vực xây dựng tăng gần 5 lần sau 3 quý hoạt động, đạt 4.202 tỷ đồng. Ngược lại, cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của EVNFinance giảm đáng kể, từ 4.587 tỷ đồng xuống 2.778 tỷ đồng.
Đây là 2 lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu tính tổng dư nợ xây dựng, bất động sản sẽ là 6.980 tỷ đồng, tăng 1.740 tỷ đồng so với đầu năm.
EVNFinance ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng vào khoản mục đầu tư dài hạn, tăng nhẹ so với đầu năm. Doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư dài hạn từ năm 2021, với khẩu vị chính là bất động sản.
Về chất lượng nợ vay, nợ xấu của EVNFinance tại thời điểm cuối quý III đạt 430 tỷ đồng, giảm nhưng không đáng kể so với đầu năm. Trong đó, có sự dịch chuyển ở nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3), khi giảm 38% xuống 176 tỷ đồng; ngược lại nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 2,4 lần lên 135 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 24% lên 119 tỷ đồng.
Thế nhưng, tính chung tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cuối quý III là 2,1%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2,58%. Năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%, thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước là 3%.
Tân Mai
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|