EVN Finance được Moody’s xếp hạng B2: Thu nhập lãi thuần tăng vọt 444% dù gặp khó từ kinh doanh chứng khoán và ngoại hối

(Banker.vn) Moody’s tiếp tục xếp hạng EVN Finance hạng B2, đồng thời đánh giá cao khả năng vốn và thanh khoản, với triển vọng ổn định trong 12-18 tháng tới. Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần tăng vọt 444% trong nửa đầu năm 2024, dù gặp khó khăn trong đầu tư chứng khoán và kinh doanh ngoại hối. Kết quả, lợi nhuận sau thuế tăng 55,6%, đạt mức 249 tỷ đồng.

Trong kỳ đánh giá năm 2024, Moody’s đã xếp hạng Công ty CP Tài chính Điện lực (HoSE: EVF - EVN Finance) ở mức B2, nhấn mạnh khả năng đáp ứng về vốn và thanh khoản của công ty đối với tốc độ tăng trưởng cho vay những năm gần đây. Moody’s cũng nhận định rằng triển vọng tăng trưởng của EVN Finance sẽ duy trì ổn định trong 12-18 tháng tới, nhờ vào các tiêu chí hoạt động tín dụng vững chắc.

EVN Finance được Moody’s xếp hạng B2: Thu nhập lãi thuần tăng vọt 444% dù gặp khó từ kinh doanh chứng khoán và ngoại hối
Công ty CP Tài chính Điện lực - EVN Finance tiếp tục duy trì ổn định mức xếp hạng B2

Điểm đặc biệt, EVN Finance là công ty tài chính duy nhất tại Việt Nam sở hữu giấy phép hoạt động tài chính tổng hợp, tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong ngành. Đến tháng 12/2023, tỷ lệ vốn hữu hình (TCE) của công ty đạt 17,1%, tăng mạnh từ mức 10,2% của cùng kỳ năm trước, nhờ vào việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của EVN Finance cũng đạt 18,3%, vượt xa mức yêu cầu tối thiểu 9% của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, Moody’s đánh giá cao tiềm lực tài chính mạnh mẽ của EVN Finance, cho rằng đây là một lợi thế cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn trong khu vực. Dư nợ cho vay của Công ty đã tăng trung bình 41% trong hai năm gần đây. Đồng thời, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 1,3% vào cuối năm 2023, cải thiện đáng kể từ mức 2,2% của năm 2022, nhờ vào các biện pháp quản lý nợ hiệu quả.

Triển vọng xếp hạng của EVN Finance duy trì ổn định trong nhiều năm và dự kiến tiếp tục như vậy trong 12-18 tháng tới. EVN Finance có thể được nâng xếp hạng nếu duy trì chất lượng tài sản tốt và tỉ lệ tăng trưởng tín dụng thận trọng, cùng với việc giữ vững tỉ lệ TCE/TMA ổn định.

Nửa đầu năm "mạnh mẽ" của EVN Finance

Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024, EVN Finance đã ghi nhận những kết quả tích cực, đặc biệt là thu nhập lãi thuần. Trong giai đoạn này, công ty đạt thu nhập lãi thuần 760,7 tỷ đồng, tăng mạnh 444% so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn thu của EVN Finance vẫn chủ yếu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi như lãi vay, nghiệp vụ bảo lãnh và tín dụng.

Tuy nhiên, EVN Finance gặp khó khăn trong hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, khi ghi nhận khoản lỗ 14,3 tỷ đồng. Đây là một sự giảm sút mạnh so với mức lãi 344,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tiếp tục chịu lỗ, nhưng đã có tín hiệu cải thiện với mức lỗ 26,9 tỷ đồng, thấp hơn so với mức lỗ 30,9 tỷ đồng của năm 2023.

Một điểm sáng đáng chú ý là chi phí hoạt động của EVN Finance đã giảm đáng kể, từ 174,3 tỷ đồng xuống chỉ còn 6,7 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 26 lần. Điều này có được nhờ công ty được hoàn nhập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên đến 89,8 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các chi phí, EVN Finance thu về 249 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, công ty đã hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cho năm 2024. Đây là kết quả ấn tượng, thể hiện sự phát triển ổn định và hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh của công ty.

EVN Finance được Moody’s xếp hạng B2: Thu nhập lãi thuần tăng vọt 444% dù gặp khó từ kinh doanh chứng khoán và ngoại hối
Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ổn định qua các năm

Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản của EVN Finance đạt 50.594 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay cũng tăng 13,1%, lên gần 38.000 tỷ đồng, trong đó 95% là cho vay các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp, với con số lên tới 36.000 tỷ đồng. Điều này khẳng định chiến lược tập trung cho vay các tổ chức lớn của EVN Finance, trong khi cho vay cá nhân chỉ chiếm 5%, với hơn 1.900 tỷ đồng.

Về nợ, công ty đang gánh khoản nợ 41.906 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác giảm 14,6% về còn 9.314 tỷ đồng, trong khi lượng tiền gửi của khách hàng tăng 39%, đạt 4.175 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của EVN Finance đạt 7.395 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 7.042 tỷ đồng.

Ba ngành chính mà EVN Finance tập trung cho vay nhiều nhất gồm: bán buôn bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy (8.300 tỷ đồng); sản xuất và phân phối điện, khí đốt (6.700 tỷ đồng); và lĩnh vực xây dựng (6.300 tỷ đồng). Các lĩnh vực này tiếp tục là động lực chính giúp công ty duy trì mức tăng trưởng tích cực trong tương lai.

EVN hợp tác cùng Wartsila (Phần Lan) đề xuất rót 1 tỷ USD vào Nhà máy điện tại Ninh Bình

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị sở hữu EVNGENCO3, với tỷ lệ sở hữu lên tới 99,19%; trong khi đó, EVNGENCO3 ...

Quý 2/2024, EVNFinance (EVF) lỗ 36 tỷ đồng từ hoạt động chứng khoán đầu tư

Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance - HOSE: EVF) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận sau ...

Đông Quân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán