Evergrande đề xuất chủ nợ nước ngoài nhận 30% cổ phần tại các công ty con

(Banker.vn) Theo các nguồn tin, nhóm trái chủ đặc biệt không hài lòng với các điều khoản trao đổi vốn cổ phần của Evergrande cho các công ty con niêm yết ở Hong Kong.

Mới đây, Tập đoàn Evergrande đã đề xuất một kế hoạch tái cơ cấu nợ mới cho các trái chủ ở nước ngoài, đề nghị hoán đổi các khoản nợ của họ thành khoảng 30% cổ phần trong mỗi công ty con niêm yết ở Hong Kong, theo hai nguồn tin quen thuộc vấn đề này chia sẻ với Reuters.

Họ cũng cho biết thêm, các trái chủ ở nước ngoài của công ty bất động sản này đang nắm giữ khoản nợ khoảng 19 tỷ USD có thể sẽ bị cắt giảm đáng kể các khoản đầu tư của họ nếu họ đồng ý với các điều khoản mới.

Evergrande đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Theo dữ liệu của LSEG, trái phiếu bằng đô la của nhà phát triển bất động sản này được giao dịch lần cuối ở mức khoảng 2,25 cent đổi một đô la vào ngày 31/10, khi các trái chủ cân nhắc khả năng phục hồi có thể có trong kế hoạch tái cơ cấu so với các lựa chọn khác như chấm dứt.

Một luật sư đại diện cho một nhóm trái chủ quan trọng đặc biệt đã nói với tòa án Hong Kong hôm thứ Hai rằng kế hoạch tái cơ cấu có thể mang lại tỷ lệ thu hồi nợ cao hơn cho các chủ nợ so với kịch bản thanh lý dưới 3%.

Cổ phiếu của các đơn vị mà các trái chủ sẽ được chào bán cổ phần, Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản Evergrande và Tập đoàn Phương tiện Năng lượng Mới Evergrande (NEV) đã giảm hơn 80% vào năm nay, trong bối cảnh khủng hoảng nợ của Evergrande.

Vốn hóa thị trường của họ chỉ khoảng 9 tỷ đô la Hong Kong (1,15 tỷ USD) tính đến sáng 1/11, trong đó công ty mẹ nắm giữ 52% cổ phần bất động sản và 59% công ty xe hơi.

Evergrande đề xuất chủ nợ nước ngoài nhận 30% cổ phần tại các công ty con

Nguồn tin đầu tiên cho biết, các chủ nợ sẽ được trao cổ phần hiện có của hai đơn vị trong một thỏa thuận cần được thông qua bởi các cơ quan quản lý Trung Quốc. Thêm nữa, kế hoạch mới đã được nêu ra với một số trái chủ khoảng hai tuần trước, sau khi kế hoạch tái cơ cấu nợ ban đầu của Evergrande bị hủy bỏ khi người sáng lập tỷ phú Hui Ka Yan vào cuối tháng 9 được xác nhận đang bị điều tra vì nghi ngờ hoạt động tội phạm.

Evergrande cũng bị cấm phát hành mới trái phiếu bằng đồng đô la, một phần quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu ban đầu, trong khi trụ sở chính ở đại lục đang bị các cơ quan quản lý điều tra.

Nguồn tin thứ hai cho biết, kế hoạch mới được thúc đẩy bởi một ủy ban công tác thuộc chính quyền tỉnh Quảng Đông phía nam, vốn đã giám sát quá trình tái cơ cấu của Evegrande kể từ cuối năm 2021, sau khi nhà phát triển không trả được nợ. Chính quyền tỉnh đã không trả lời về thông tin này.

Đề xuất mới sẽ là chìa khóa cho sự tồn tại của Evergrande vì hôm thứ Hai, tòa án Hong Kong đã yêu cầu công ty lập một kế hoạch tái cơ cấu nợ cụ thể trước phiên điều trần thanh lý vào ngày 4/12 để quyết định liệu có nên kết thúc hay không.

Kế hoạch ban đầu của Evergrande, được hỗ trợ bởi nhóm trái chủ đặc biệt trước khi bị hủy bỏ, đã đưa ra các lựa chọn bao gồm các công cụ liên kết vốn cổ phần được hỗ trợ bởi công ty mẹ Evergrande và hai công ty con niêm yết ở Hong Kong.

Các chủ nợ được phép hoán đổi tất cả lượng nắm giữ của họ thành các trái phiếu mới có thời gian đáo hạn từ 10 đến 12 năm; hoặc chuyển đổi chúng thành các phương án kết hợp khác nhau của các trái phiếu mới có kỳ hạn từ 5 đến 9 năm và các công cụ liên quan đến vốn chủ sở hữu mà không cần cắt giảm trực tiếp.

Các chuyên gia trong ngành cho biết, thách thức lớn nhất phía trước đối với Evergrande sẽ là thuyết phục các chủ nợ và cổ đông của hai đơn vị niêm yết ở Hong Kong rằng đề xuất mới là đáng giá.

Một nhóm chủ nợ chủ chốt, được Evergrande xếp vào loại C, bao gồm các nhà cho vay tư nhân, một số ngân hàng Trung Quốc và các nhà đầu tư trước IPO đã phản đối kế hoạch cũ và yêu cầu các điều khoản tốt hơn trước khi kế hoạch này sụp đổ.

Theo các nguồn tin, nhóm trái chủ đặc biệt không hài lòng với các điều khoản sửa đổi cung cấp vốn cổ phần cho các công ty con niêm yết ở Hong Kong.

Evergrande phá sản, cổ phiếu BĐS có thực sự bị ảnh hưởng?

Thông tin tập đoàn BĐS Evergrande của Trung Quốc đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ đã "tiếp sức" cho đà bán tháo ...

Đế chế bất động sản Trung Quốc - Evergrande vỡ nợ trái phiếu

Ngày 9/12, Tập đoàn Bất động sản Trung Quốc Evergrande (Hằng Đại) đã chính thức vỡ nợ các lô trái phiếu trị giá 1,6 tỷ ...

Ông lớn BĐS Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ phá sản

China Evergrande Group, một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc, vừa chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản ...

Mộc Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán