![]() | Hoa Kỳ đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách hạn chế xuất khẩu |
![]() | Từ món dân dã miền Tây đến cơn sốt quốc tế: Đặc sản Việt Nam này trở thành tâm điểm xuất khẩu châu Á |
Một đòn mang tính biểu tượng
Theo trang phân tích năng lượng Oilprice, lệnh cấm tái xuất LNG (liquefied natural gas) của Nga qua châu Âu - vốn đã được thông qua từ tháng 6/2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 26/3/2025, sau thời gian hoãn thi hành dành cho các hợp đồng ký trước ngày 25/6/2024. Lệnh cấm này cấm hoạt động chuyển giao LNG từ tàu sang tàu (STS) tại các cảng EU cho các đơn hàng bán sang nước thứ ba, như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ.
![]() |
Điểm đáng chú ý, hoạt động trung chuyển dạng này trong năm 2024 chỉ chiếm khoảng 2,7 triệu tấn – tương đương dưới 10% tổng lượng LNG xuất khẩu của Nga (34,7 triệu tấn). Điều đó cho thấy tác động trực tiếp của lệnh cấm tới doanh thu không quá lớn, nhưng xét về dài hạn, nó có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược hậu cần và khả năng duy trì các hợp đồng của Nga tại thị trường châu Á.
Trong suốt mùa đông từ tháng 11 đến tháng 6, các cảng LNG truyền thống tại vùng Bắc Cực của Nga – như Yamal LNG thuộc sở hữu của Novatek – bị băng tuyết dày bao phủ. Thay vì đưa LNG trực tiếp đến các thị trường, Nga phải sử dụng các tàu phá băng chuyên dụng để vận chuyển hàng đến các cảng của EU như Zeebrugge (Bỉ) hoặc Montoir (Pháp), nơi hàng hóa được chuyển sang các tàu thông thường để xuất sang châu Á.
Lệnh cấm của EU sẽ buộc Nga phải tìm các phương án thay thế như trung chuyển tại Murmansk, Kaliningrad hoặc thậm chí các điểm trung lập ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, những phương án này được đánh giá là kém thuận tiện và sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà cung cấp Nga.
Tập đoàn Novatek – nhà sản xuất LNG hàng đầu của Nga và là cổ đông lớn trong dự án Yamal LNG – hiện có các hợp đồng dài hạn với hàng loạt đối tác lớn gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), các ông lớn năng lượng như Shell (Anh – Hà Lan), TotalEnergies (Pháp), SEFE (Đức) và công ty giao dịch hàng hóa Gunvor.
Dù lượng LNG tái xuất chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giao dịch, nhưng việc EU siết kiểm soát hoạt động tái xuất có thể khiến các đối tác phải cân nhắc lại về tính ổn định của chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển trong hợp đồng tương lai. Charles Costerousse – nhà phân tích LNG tại Kpler – nhận định: “Tác động tài chính không quá lớn nhưng ảnh hưởng về hậu cần là điều không thể xem nhẹ”.
Nga vẫn “sống khỏe” nhờ nhu cầu ổn định từ EU
Mặc dù tuyên bố sẽ “cai nghiện” khí đốt của Nga vào năm 2027, thực tế EU vẫn đang nhập khẩu LNG từ Moscow với khối lượng tăng. Trong năm 2024, lượng nhập LNG từ Nga vào EU tăng 18%. Dữ liệu từ tổ chức Ember cho thấy trong tháng 2/2025, lượng nhập trung bình lên tới 74,3 triệu m³/ngày – tăng 11% so với tháng trước đó.
Điều này phản ánh thực tế rằng dù châu Âu nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung (hướng đến Na Uy, Mỹ, Qatar), thì Nga vẫn là một phần quan trọng trong cán cân năng lượng của lục địa già. Chính sách chuyển đổi năng lượng không thể diễn ra trong “một sớm một chiều”, và trong giai đoạn quá độ, EU vẫn cần LNG của Nga để duy trì ổn định nguồn cung điện và sưởi ấm.
Nga hiện là quốc gia xuất khẩu LNG lớn thứ 4 thế giới, với sản lượng 34,7 triệu tấn trong năm 2024 – tăng 4% so với năm 2023. Trong khi đó, các đối thủ như Mỹ, Qatar và Úc đều tăng cường đầu tư để mở rộng sản lượng, hướng tới thị phần lớn hơn trên thị trường quốc tế.
Với lệnh cấm tái xuất tại châu Âu, Nga sẽ cần điều chỉnh lại chiến lược vận tải và hậu cần để duy trì vị thế cạnh tranh. Trong ngắn hạn, Nga có thể xoay trục sang các cảng trung chuyển không thuộc EU hoặc đàm phán với các đối tác để kéo dài thời gian giao hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, áp lực từ lệnh trừng phạt, chi phí vận chuyển tăng và cạnh tranh khốc liệt từ Mỹ, Qatar có thể khiến xuất khẩu LNG của Nga gặp khó.
Minh Phương