Ecovi – Startup nâng tầm giá trị nông sản Việt

(Banker.vn) Với tiền thân là Công ty Cổ phần Trang trại Nông sản Phủ Quỳ, sau hơn 7 năm thành lập và phát triển đã tạo nên thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến. Trên nền tảng đó, công ty đã đầu tư để xây dựng mô hình kinh doanh mới là Ecovi - cung cấp các giải pháp FarmLap, FarmShop và FarmTour, trở thành đối tác tin cậy và là một trong những đơn vị đầu tiên đưa sản phẩm nông sản Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Phát triển nông nghiệp bền vững

Xuất phát từ việc vào những năm 2000, trái cam Vinh bị thương lái ép giá, rớt giá đỉnh điểm, cam chín rụng mà không người mua. Thương người dân quê và tiếc những trái cam căng mọng đong đầy công sức của bà con, chị Nguyễn Thị Lê Na quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng cam sinh thái.

Năm 2013, Công ty Cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ ở Nghệ An được thành lập với sản phẩm độc quyền thương hiệu “Cam Vinh Kỳ Yến”. Mục tiêu của thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến chính là những sản phẩm nông sản sạch, an toàn, tiếp đến xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững cho cam và các sản phẩm từ trái cam Kỳ Yến. Chị Nguyễn Thị Lê Na - Giám đốc công ty cho biết: Những năm trước đây, sản phẩm cam Vinh được phân phối theo phương thức truyền thống qua hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, các chợ đầu mối, qua các doanh nghiệp đầu mối thu mua, các chuỗi cửa hàng nông sản thì nay chúng tôi hướng đến là sự phát triển bền vững thay vì tư duy ăn xổi, lướt sóng. Bởi vậy, chị định hướng doanh nghiệp của mình đi theo mô hình doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội và ở đó kinh doanh cần thiết phải gắn với trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.

Chị Nguyễn Thị Lê Na

Thay vì trồng cam chờ ngày hái quả như bao nông dân khác, chị phát triển các sản phẩm chế biến từ cam sau khi tìm hiểu nhu cầu của xã hội và xây dựng câu chuyện của riêng mình. Không chỉ tìm hướng ra cho sản phẩm cam quả tươi, chị còn tìm cách nâng cao giá trị sử dụng từ quả cam bằng các sản phẩm tinh chế, như: Vỏ cam sấy khô, múi cam sấy dẻo, mứt nước cam, xà phòng cam, tinh dầu cam... Các sản phẩm được kiểm định bảo đảm "5 không": Không chất bảo quản, không chất tạo màu, không hương liệu tổng hợp, không chất ổn định và không biến đổi gen. Sản phẩm tinh chế được trưng bày tại các hội chợ, siêu thị trong nước, từng bước hướng ra thị trường quốc tế.

Năm 2015, Cam Vinh Kỳ Yến là đơn vị đầu tiên ở Nghệ An có tổng cộng 10ha cam trồng theo quy trình VietGAP nhưng đến nay hầu hết diện tích đó đã dần chuyển đổi sang canh tác sinh thái từ năm 2016. Ngoài việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị và có doanh số bán hàng tốt, chị Nguyễn Thị Lê Na làm việc với các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để được hỗ trợ tư vấn và đào tạo, tổ chức các hoạt động và du lịch đến tham quan vườn, cũng như hỗ trợ đưa sản phẩm đi tham gia một số hội chợ quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp cho biết: “Là người tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương, chị Nguyễn Thị Lê Na đã đạt được những thành công nhất định. Không chỉ làm giàu cho mình, chị Lê Na còn có nhiều đóng góp quan trọng trong chuyển đổi mô hình trồng cây truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.

Xây dựng thương hiệu nông sản địa phương

Với sự phát triển của nền tảng trực tuyến như Facebook, sản phẩm của Cam Vinh Kỳ Yến không chỉ tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng mà còn mở rộng “phạm vi phủ sóng” với mạng lưới phân phối rộng khắp trên toàn quốc với 20 đại lý bán hàng, phân phối tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Công ty cổ phần Nông nghiệp Sinh thái Ecovi đang phát triển dịch vụ du lịch vườn cam trên nền tảng sẵn có Cam Vinh Kỳ Yến. Đây cũng là trang trại thí điểm xây dựng mô hình làng du lịch cam sinh thái trải nghiệm đầu tiên tại Nghệ An được quản lý bởi hệ thống FarmLab, FarmShop và FarmTour. Với Làng sinh thái Ecovi dự kiến sẽ quy tụ 100-130 hộ nông dân với diện tích khoảng 500ha và kỳ vọng với sự liên kết cùng các hộ nông dân thì sẽ chỉ tập trung vào công tác quản lý hướng dẫn cũng như định hướng về mặt chiến lược cho nông dân về các mô hình mẫu cho nông dân trực tiếp làm theo và đi vào sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại, EcoVi đang liên kết hợp tác với một hợp tác xã ở Cao Phong, Hòa Bình với thương hiệu là Ecovi Hà Phong có quy mô hơn 200ha trồng cam và bưởi và đang xây dựng hệ thống kinh doanh 1.000 tấn trong mùa cam 2021 – 2022. Đặc biệt, Giám đốc Nguyễn Thị Lê Na xây dựng vùng canh tác Cam Sành sinh thái tại huyện Bắc Quang (Hà Giang) để giúp bà con nông dân nâng cao được giá trị sản phẩm dự kiến cũng sẽ bước đầu lựa chọn và tổ chức kinh doanh với quy mô sản lượng khoảng 1.000 tấn cho những hộ nông dân đăng ký sẵn sàng chuyển đổi canh tác sinh thái.

Không chỉ dừng lại ở kênh bán hàng thông qua trang Facebook, Công ty xây dựng hệ thống bán sản phẩm trên toàn quốc để đưa sản phẩm Cam Vinh Kỳ Yến lên sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Foodmart, CoopMart.Co, … Trong năm 2022, công ty sẽ phát triển dịch vụ cung cấp hệ thống quy trình canh tác sinh thái sử dụng bằng công nghệ để ứng dụng cho 2 loại trái cây là bưởi và thanh long ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Đặc sản nông nghiệp Việt Nam có vô vàn những giá trị đặc sắc riêng mà chỉ cần chúng ta biết cách nghiên cứu, khai thác và thật sự dành tâm huyết cho nó thì có thể nâng cao giá trị được hơn rất nhiều. Có lẽ đã đến lúc, cần phải có những định nghĩa mới cho nông dân trong thời đại mới này, đó chính là những gì mà đội ngũ công ty Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sinh thái Ecovi xây dựng. Hy vọng rằng những nông dân sinh thái Ecovi sẽ là những hạt nhân cho nền nông nghiệp sinh thái sẽ được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Thực hiện Ðề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại Quyết định số 844/QÐ-TTg (Ðề án 844) nhằm phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với vai trò cầu nối, Báo Công Thương đã và đang tích cực hỗ trợ, kết nối, góp phần đem lại hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
PV
Theo Báo Công Thương
Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục