ECB mạnh tay nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nhằm kìm hãm lạm phát

(Banker.vn) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 8/9 đã thông báo tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, đưa lãi suất tiền gửi chuẩn lên 0,75%. ECB nhập cuộc cùng với hơn 40 ngân hàng trung ương khác trên thế giới năm nay đã tăng lãi suất ít nhất 0,75% chỉ trong trong một đợt.

Hơn 40 ngân hàng trung ương thế giới năm nay đã tăng lãi suất ít nhất 0,75% chỉ trong trong một đợt.

“Bước đi quan trọng này thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ chính sách lãi suất có tính hỗ trợ cao sang lãi suất nhằm đảm bảo lạm phát trở về mục tiêu trung hạn 2%”, ECB cho biết trong tuyên bố đưa ra sau quyết định nâng lãi suất lần thứ hai liên tiếp trong năm nay.

ECB cũng cho biết dự kiến ​​sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát vẫn còn quá cao và có khả năng duy trì trên mức mục tiêu trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, ECB đã điều chỉnh tăng kỳ vọng lạm phát với dự báo lạm phát trung bình của khu vực đồng tiền chung Euro sẽ đạt 8,1% trong năm 2022, 5,5% vào năm 2023 và 2,3% vào năm 2024.

Ngay trước thềm quyết định được đưa ra, diễn biến trên thị trường tài chính phần lớn đã phản ánh khả năng ECB sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Đồng Euro gần như đi ngang so với đồng bảng Anh và tăng nhẹ so với đồng USD lên 1,0005 USD. Trong ngày 5/9, Euro rớt xuống dưới 99 cent Mỹ lần đầu tiên trong 20 năm.

Lạm phát cao kỷ lục buộc ECB phải nâng lãi suất lần thứ hai liên tiếp trong năm nay.

Tại cuộc họp tháng 7/2022, ECB đã nâng lãi suất từ -0,5% lên 0%, lần đầu tiên sau 13 năm. Cơ quan thiết lập chính sách tiền tệ cho 19 quốc gia sử dụng đồng Euro đã giữ mức lãi suất âm kể từ năm 2014 nhằm thúc đẩy chi tiêu và chống lạm phát thấp. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã đảo chiều. Lạm phát tại khu vực đồng Euro đang mất kiểm soát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khu vực này ghi nhận tăng 9,1% trong tháng 8, lập kỷ lục tháng thứ chín tăng liên tiếp.

“Chúng tôi kết luận rằng, năng lượng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, bên cạnh giá lương thực tăng. Đồng thời, lạm phát đã lan rộng ra hàng loạt lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ có vai trò quan trọng. Vì vậy, khi đối mặt với lạm phát cực kỳ cao ở mức độ nghiêm trọng và trải dài trên nhiều lĩnh vực, cần phải có hành động kiên quyết”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết trong cuộc họp báo sau thông báo nâng lãi suất.

Lạm phát cao tại châu Âu thúc đẩy bởi đà tăng vọt của giá năng lượng kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Bên cạnh đó, giá thực phẩm, quần áo, ô tô, thiết bị gia dụng, dịch vụ đều tăng. Các yếu tố liên quan đến chuỗi cung ứng và tác động của các đợt nắng nóng gần đây đã khiến giá cả ngày càng leo thang.

ECB điều chỉnh dự báo GDP tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn.

GDP của khu vực đồng Euro ghi nhận tăng 0,8% trong quý II, tuy nhiên, giới phân tích cho rằng suy thoái là điều không thể tránh khỏi đối với khu vực này trong những tháng tới khi sức chi tiêu của người tiêu dùng bị thắt chặt và các doanh nghiệp phải vật lộn để vượt qua bài toán chi phí đầu vào tăng cao.

Tương tự tại Mỹ, cảnh báo suy thoái đã được đưa ra bất chấp thị trường lao động cực kỳ an toàn với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục 6,6% .

“ECB cũng như các ngân hàng trung ương khác đang bị giằng co giữa bài toàn phải kìm chế lạm phát và rủi ro suy thoái ngày càng tăng”, Willem Sels, Giám đốc đầu tư tại HSBC, đánh giá.

“Giá năng lương tăng rất mạnh và ECB đang lo ngại rằng lạm phát cao sẽ đẩy nhu cầu tiền lương lên cao hơn. Điều này sẽ càng khiến áp lực lạm phát trở nên dai dẳng hơn. Chính sách tiền tệ lại thường có độ trễ và các Thống đốc của ECB có lẽ cho rằng, tốt hơn là nên sớm nâng mạnh lãi suất và kết thúc quá trình nâng lãi suất vào cuối năm nay”, ông Willem Sels nói thêm.

Quỳnh Dương

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ