e-KYC là “cửa ngõ” để phát triển các mô hình ngân hàng số

(Banker.vn) “Việc thực hiện nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) trong thiết lập mối quan hệ lần đầu với khách hàng được coi “cửa ngõ” để phát triển các mô hình ngân hàng số”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ.

Ngày 29/1/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm “eKYC trong mở tài khoản thanh toán - Quy định pháp luật và cách thức triển khai” để phổ biến quy định mới của Thông tư 16/2020/TT-NHNN (Thông tu 16) và cách thức triển khai quy định về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC), đảm bảo mục tiêu quản lý. Đồng thời lắng nghe các chuyên gia, đại diện các ngân hàng thương mại về cách thức triển khai quy định eKYC trong mở tài khoản thanh toán để đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả; những vướng mắc, thách thức có thể gặp phải; khả năng khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ ngành Ngân hàng trong xác minh thông tin khách hàng; từ đó, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp, đảm bảo việc triển khai quy định mới tại Thông tư 16 được hiệu quả và thống nhất.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN - cho biết, trong bối cảnh CMCN 4.0, ngành Ngân hàng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi sự chuyển đổi theo hướng số hóa tự động, cung ứng sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, lấy khách hàng làm trọng tâm, giúp các ngân hàng phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh.

Trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng, việc thực hiện nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) trong thiết lập mối quan hệ lần đầu với khách hàng được coi “cửa ngõ” để phát triển các mô hình ngân hàng số. Trong đó, việc nhận biết và xác minh thông tin khách hàng trong mở tài khoản thanh toán đóng vai trò quan trọng, giúp khách hàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng, cho phép các ngân hàng có thể mở rộng tập khách hàng và cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện, hiệu quả.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, để tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai eKYC, NHNN đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP, theo đó cho phép ngân hàng được quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Căn cứ nguyên tắc, định hướng trên, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó bổ sung quy định, hướng dẫn về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử.

“Quy định về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử tại Thông tư 16 được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền, phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng trên thế giới và ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các tổ chức tín dụng trong quá trình chuyển đổi số, tăng khả năng tiếp cận khách hàng mới thuận tiện hơn với chi phí thấp hơn, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) - cho biết, Thông tư 16 có nhiều điểm mới quy định về số dư trên tài khoản thanh toán, hồ sơ mở tài khoản thanh toán cũng như các quy định về thủ tục mở tài khoản thanh toán… trên nguyên tắc chung về quản lý rủi ro, hạn mức giao dịch và đối tượng khách hàng. “Thông tư quy định tạo thuận lợi cho triển khai khi quản lý theo mục tiêu kiểm soát rủi ro hơn đặt nặng tuân thủ trình tự các bước theo quy định”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, trong quá trình triển khai, các ngân hàng cần tăng cường nhân sự và các biện pháp rà soát, kiểm tra, đối chiếu nhằm đảm bảo khách hàng được định danh điện tử tuân thủ các quy định về sử dụng tài khoản thanh toán và đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch là chủ tài khoản thanh toán. Trong trường hợp phát hiện quy trình không đảm bảo an toàn, bảo mật hoặc có sự cố trong quá trình mở tài khoản thanh toán cần kịp thời từ chối, dừng quy trình mở tài khoản đang thực hiện và hướng dẫn khách hàng thực hiện trực tiếp tại quầy. Đồng thời, tạm ngừng cung cấp dịch vụ mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử cho đến khi khắc phục sự cố. Ngoài ra, các ngân hàng cần thực hiện gửi báo cáo NHNN việc triển khai e-KYC.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank - trình bày tham luận về giải pháp e-KYC trong mở tài khoản thanh toán

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank - cho biết, có nhiều công nghệ áp dụng trong việc mở tài khoản theo phương thức e-KYC như ID Card Quality (kiểm tra mức độ phù hợp của ảnh chụp giấy tờ tùy thân); Face Quality (kiểm tra mức độ phù hợp của ảnh chụp selfie); Face Matching (xác định trùng khớp ảnh khuôn mặt); Face Cross Check (truy xuất ảnh khuôn mặt trùng khớp trong hệ thống cơ sở dữ liệu hình ảnh)… và dữ liệu sinh trắc học của khách hàng sẽ được ngân hàng lưu trữ, bảo mật cùng với các thông tin cá nhân khác.

Cũng theo ông Lân, công nghệ học máy sẽ tự học được sự thay đổi của khách hàng theo thời gian và thông tin nhận diện là các vector đặc tính trên khuôn mặt nên qua thời gian khuôn mặt thay đổi thì khách hàng không phải cập nhật thường xuyên, trừ các trường hợp thay đổi do phẫu thuật thẩm mỹ hoàn toàn. Hiện VietinBank đã cho phép khách hàng mở tài khoản qua eKYC từ iPay app (ứng dụng ngân hàng số của VietinBank).

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Hoàng

Được biết, Thông tư 16 sẽ có hiệu lực từ ngày 5/3/2021, cho phép áp dụng thanh toán bằng phương thức điện tử trong hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng phương thức thanh toán điện tử tuân thủ các quy định hiện hành và đảm bảo một số điều kiện, đồng thời phải chịu trách nhiệm về rủi ro nếu có.

Hạn mức do các ngân hàng xây dựng căn cứ vào điều kiện công nghệ để đánh giá, nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi Nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng, ngoại trừ một số trường hợp. Việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử  không áp dụng đối với tài khoản thanh toán chung, khách hàng cá nhân là người nước ngoài.

Minh Hoàng 

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục