Đường đi của 2% thuế giá trị gia tăng: Tác động tới doanh nghiệp, người tiêu dùng và thu ngân sách ra sao?

(Banker.vn) Giảm thuế giá trị gia tăng là biện pháp kịp thời trong điều hành kinh tế vĩ mô, sau những biến động bất ổn của kinh tế trong và ngoài nước. Lợi ích mang lại không riêng gì người tiêu dùng được hưởng, mà doanh nghiệp cũng là đối tượng để chính sách giảm thuế hướng tới.

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế gián thu, được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ. Thuế được tính ở tất cả các khâu từ sản xuất, lưu thông cho đến khi tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Đối với kinh tế vĩ mô, thuế GTGT là một trong những loại thuế đóng vai trò quan trọng trong thu ngân sách.

Với việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, áp dụng cho các loại hàng hóa, dịch vụ theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ sẽ hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế phát triển sau tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới suy thoái, do chiến tranh Nga – Ucraina.

Đường đi của 2% thuế giá trị gia tăng: Tác động tới doanh nghiệp, người tiêu dùng và thu ngân sách ra sao?

Giảm thuế GTGT hướng tới mục tiêu kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách, do giá bán hàng hóa giảm theo giá trị giảm của thuế GTGT.

Với sản xuất kinh doanh, giảm thuế GTGT là giảm chi phí đầu vào của sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng phục hồi nền kinh tế.

Vậy thực chất, chính sách giảm thuế suất thuế GTGT có tác động như thế nào tới doanh nghiệp, ngân sách nhà nước và người dân?

Đối với doanh nghiệp:

Trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khâu sản xuất là khâu đầu tiên tập hợp chi phí, trong đó có thuế GTGT. Tuy nhiên, chính sách giá của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, nó là yếu tố quyết định đến thành bại của doanh nghiệp. Vì vậy, đa phần chính sách giá đều được xây dựng mang tính thời kỳ, xuất phát từ việc lập kế hoạch tổng hợp chi phí đầu vào; nhu cầu thị trường; thị phần của hàng hóa và sức cạnh tranh của sản phẩm… mà doanh nghiệp xây dựng được chính sách giá phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình và được áp dụng trong suốt chu kỳ kinh doanh đó.

Trong đó, yếu tố tổng hợp chi phí đầu vào biến động theo 3 trạng thái đó là “âm”, “dương”, hoặc bằng “0”. Tác động tới các trạng thái đó, còn tùy thuộc vào việc doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gì, nguyên vật liệu nào chi phối chính vào giá thành sản phẩm, giá nguyên vật liệu biến động lớn hay nhỏ trong kỳ kinh doanh, yếu tố mùa vụ và những tác động bên ngoài đến quá trình tăng giảm chi phí đầu vào; thị trường chấp nhận sản phẩm ở mức độ nào...

Vì vậy ở đầu mỗi kỳ kinh doanh, quyết định về giá xuất nguyên vật liệu vào quá trình sản xuất, được doanh nghiệp lựa chọn một trong ba phương pháp tính giá xuất nguyên vật liệu gồm: Nhập trước xuất trước; nhập sau xuất trước và phương pháp đích danh, nhằm khắc phục những biến động về giá mua vào của nguyên vật liệu và cân đối giá bán ra của hàng hóa trong suốt chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Do đó, việc giảm 2% thuế GTGT có tác động không nhiều tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy đa phần không làm thay đổi giá bán và thị phần của hàng hóa, ít nhất là trong ngắn hạn; đặc biệt là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, có giá bán thấp.

Tuy nhiên khi thuế suất giảm, làm giảm lượng vốn lưu động tính trên mỗi đơn vị sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng sản lượng thành phẩm sản xuất. Giá bán của hàng hóa không thay đổi nhiều, trong khi chi phí giảm làm tăng lợi nhuận, tháo gỡ một phần khó khăn tạm thời cho doanh nghiệp, là động lực giúp dòng vốn trong kỳ kinh doanh tiếp theo của doanh nghiệp có cơ hội quay vòng nhanh hơn, hoặc quy mô sản xuất được mở rộng hơn.

Như vậy về lâu dài thông qua quá trình cạnh tranh, thị trường sẽ tự điều tiết để trở về trạng thái cân bằng. Khi đó, giá bán của hàng hóa sẽ giảm và người tiêu dùng bắt đầu được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế của Chính phủ.

Đối với thu ngân sách:

Về cơ bản, chính sách giảm thuế GTGT 2% của Chính phủ nhằm mục tiêu giảm giá bán hàng hóa, kích thích nhu cầu tiêu dùng, đưa lợi ích tới tay người dân. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, giá trị giảm từ thuế GTGT mang lại, đa phần đang nằm lại doanh nghiệp. Do đó làm tăng lợi nhuận, đồng nghĩa với thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp sẽ tăng thêm.

Nói cách khác là khoản thu vào của ngân sách nhà nước thay vì “chạy qua” thuế GTGT ở đầu kỳ kinh doanh, thì lại “đi vòng” qua thuế thu nhập doanh nghiệp ở cuối kỳ kinh doanh, rồi mới trở thành khoản nộp ngân sách, để lại dòng vốn cho doanh nghiệp tận dụng trong kỳ kinh doanh đó, giúp giảm một phần chi phí vốn trong kỳ. Yếu tố này có tác động giúp hạ giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, xét về đặc tính thì thuế GTGT là loại thuế gián thu và hầu như đều tăng thêm khi sản phẩm, hàng hóa đi qua một khâu lưu thông nào đó. Vì vậy khoản thuế này gia tăng liên tục cho đến khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng, với tỷ lệ thu chính xác khá cao, sát với thực tế phát sinh.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, là loại thuế trực thu và chịu tác động của rất nhiều yếu tố trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vì vậy có nhiều khoản chi phí đã trở thành khoản “cố tình lấp đầy” nhằm giảm lợi nhuận, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và chỉ khi thanh tra cơ quan thuế vào cuộc, khoản chi phí đó mới được lộ diện.

Hơn nữa, khoản thu từ loại thuế này kém ổn định hơn thuế GTGT, ngoại trừ một số loại hình kinh doanh có biên độ lợi nhuận ổn định như bảo hiểm, tín dụng ngân hàng, hoặc một số hàng hóa có giá bán biến động cao hay thấp, tùy thuộc vào hàm lượng chất xám tích lũy nhiều hay ít, để tạo ra giá trị sử dụng của sản phẩm đó. Như vậy có thể thấy, từ chính sách giảm 2% thuế GTGT, ngân sách nhà nước sẽ vẫn có khả năng thu về. Tuy nhiên mức độ ổn định là không cao.

Đối với người dân:

Việc điều tiết thị trường, kích thích nhu cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế là giải pháp mang tính thời điểm, khi nền kinh tế có những biến động bất ổn. Nó càng phát huy hiệu quả, đối với những nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và chịu tác động từ hiệu ứng hội nhập, mà các nền kinh tế khác mang lại.

Mục tiêu chính ở đây là tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, khắc phục những bất ổn mà nền kinh tế đang gặp phải, mở thêm một cánh cửa cho kinh tế vi mô phát triển, tạo nền tảng ổn định cho kinh tế vĩ mô. Từ đó giúp tăng thu nhập của người dân, mang lại sự ổn định về an sinh xã hội.

Chuyển nhượng bất động sản sẽ được tính thuế ra sao theo Thông tư 13?

Tổng Cục Thuế vừa có hướng dẫn cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Theo ...

Từ ngày 1/7/2023, chính thức giảm 2% thuế giá trị gia tăng

Chiều ngày 24/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó quyết nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng ...

Vũ Chiến

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán