Được lợi từ căng thẳng Nga-Ukraine, nhóm cổ phiếu này âm thầm vượt đỉnh, có mã giúp NĐT lãi 4 cây trần tuần qua

(Banker.vn) Trong tuần giao dịch (21 - 25/2), nhiều cổ phiếu nhóm phân bón tăng trưởng mạnh với tỷ lệ trên 30% như PMB, PCE, DDV, PSE, PMP, PSW.

Cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng mạnh

Cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra khiến chứng khoán toàn cầu có một tuần rung lắc mạnh, thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ. Phiên giao dịch ngày 24/2, VN-Index mất hơn 17 điểm. Sau tuần rung lắc, chỉ số mất đi ngưỡng 1.500 điểm.

Trong khi thị trường diễn biến không mấy khởi sắc bởi thiếu ngành dẫn dắt, cổ phiếu nhóm phân bón đi ngược xu hướng và tăng giá mạnh. Theo thống kê, hầu hết các mã ngành này có tỷ lệ tăng giá trên 10% trong tuần qua.

Cổ phiếu PMB của CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc tăng giá 44,81% trong tuần qua với 4 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Đóng cửa phiên 25/2, giá cổ phiếu PMB ở 22.300 đồng/cp, mức đỉnh kể từ khi niêm yết đầu tháng 10/2015.

Đứng thứ hai trong nhóm, mã PCE của CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung tăng giá 38,59% trong tuần với 5 phiên tăng mạnh. Kết phiên cuối tuần, giá cổ phiếu PCE ở ngưỡng đỉnh lịch sử 33.400 đồng/cp.

Trong nhóm ngành phân bón, nhiều trường hợp khác có mức tăng trên 30% tuần cuối tháng 2 như DDV, PSE, PMP  PSW. PSE, PMP và PSW là ba cổ phiếu đang trên đà vượt đỉnh thiết lập tháng 11 năm ngoái và tiến lên đỉnh cao mới, tương tự PMB và PCE.

Với các công ty vốn hóa lớn trong ngành như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã: DPM), Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) hay Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) hay Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS), mức tăng giá cũng từ 9 - 13%.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu DPM dừng ở 53.900 đồng/cp, tăng 9,78% so với phiên 18/2. Tương tự, mã BFC có tỷ lệ tăng 9,25%. Khởi sắc hơn, cổ phiếu DCM tăng 12,7% từ 30.700 đồng/cp lên 34.600 đồng.

Nếu như các cổ phiếu khác trong ngành phân bón đã vượt đỉnh lịch sử, các mã BFC, DCM, LAS hay DDV còn cách ngưỡng đỉnh lịch sử 10 - 15%.

2506-co-phieu-phan-bon
Diễn biến nhóm cổ phiếu phân bón trong tuần giao dịch 21 - 25/2. Nguồn: Hoàng Linh.

Vì sao cổ phiếu phân bón nổi sóng?

Biến biến khởi sắc của cổ phiếu phân bón xuất phát từ diễn biến tích cực giá phân bón thế giới trước những lo ảnh ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo Bloomberg, giá phân bón đang tăng vọt do lo ngại xung đột Nga – Ukraine sẽ khiến nguồn cung toàn cầu mặt hàng này giảm mạnh. Giá phân ure phân đạm phổ biến ở New Orleans vào ngày 24/2 tăng lên 700 USD/tấn so với 560 USD/tấn hồi đầu tuần, tăng 25%.

Hiện nay Nga cung cấp khoảng 23% ammoniac, 17% kali, 14% ure và 10% phốt phát. Vậy nên nếu chiến tranh tiếp tục leo thang, khối lượng xuất khẩu này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều khả năng sẽ đẩy giá nhóm hóa chất và phân bón tăng cao.

Phân tích thêm, các chuyên viên của Agriseco cho rằng giá phân bón trên thị trường thế giới và Việt Nam vẫn đang chưa có sự tăng giá tương ứng, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào như dầu khí hay than đã tăng mạnh. Điều này cho thấy giá phân bón trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh tăng giá, tạo động lực cho nhóm ngành phân bón trên thị trường.

Cùng quan điểm, bộ phận phân tích của Chứng khoán BSC cho rằng động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn/năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than) tăng cao. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng thêm, và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.

Hoàng Linh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán