Đừng để xói mòn niềm tin của nhà đầu tư

(Banker.vn) Ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Viện Kiểm toán nội bộ Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn về câu chuyện minh bạch thông tin của doanh nghiệp.

Trong thời đại bùng nổ của internet và công nghệ số, doanh nghiệp có nhiều kênh để truyền thông, tiếp cận khách hàng, nhưng ngược lại cũng đứng trước nhiều rủi ro trong quản trị thông tin. Từ góc độ chuyên gia quản trị, ông nhìn nhận về câu chuyện này như thế nào?

Tôi cho rằng, những thông tin công bố ra bên ngoài theo luật định hoặc doanh nghiệp chủ động ra tin đều cần xoay quanh chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Thông điệp doanh nghiệp đưa ra nên gắn với định hướng và chiến lược phát triển bền vững. Trong đó, phát triển bền vững là cân đối lợi ích giữa nhà đầu tư (người bỏ tiền vào doanh nghiệp) và các bên liên quan.

Đừng để xói mòn niềm tin của nhà đầu tư
Ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Viện Kiểm toán nội bộ Việt Nam

Không chỉ truyền thông về sản phẩm của mình, doanh nghiệp cần truyền thông về chính sách thu hút nhân tài, lựa chọn đối tác, chuỗi cung ứng và chính sách bảo vệ môi trường… Hiện nhiều doanh nghiệp đã quan tâm tới việc lập báo cáo môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Xây dựng thương hiệu tốt từ quản trị thông tin tốt sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều giá trị, trong đó có những giá trị vô hình tiềm ẩn (tiềm năng thị trường, khách hàng, chất lượng dịch vụ, chiến lược, quản lý…).

Thông tin trên mạng đa chiều và nhanh. Doanh nghiệp đưa thông tin, khách hàng, đối tác có thể tìm kiếm, kiểm nghiệm thông tin đó qua một từ khóa trên mạng xã hội. Bởi vậy, doanh nghiệp phải nhất quán trong việc đưa ra thông tin và những thông tin công bố phải gắn với chiến lược phát triển bền vững, hài hòa lợi ích với các bên thì doanh nghiệp mới đi được đường dài.

Việc doanh nghiệp chọn đưa thông tin về hoạt động của doanh nghiệp khác với việc vẽ ra thông tin. Công bố thông tin ra bên ngoài là câu chuyện truyền thông, nhưng nếu chỉ làm phần ngọn, không đi từ chiến lược, hoạt động thực tế của doanh nghiệp thì sẽ không đạt được hiệu quả.

Ông vừa nói đến câu chuyện truyền thông phần ngọn. Theo quan sát của ông, tỷ lệ doanh nghiệp đi theo hướng này có chiếm tỷ trọng lớn hay không?

Ở góc nhìn chủ quan, tôi thấy cũng khá nhiều. Thông tin được nhiều doanh nghiệp đưa ra chưa đi từ gốc, tức đi theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Truyền thông từ ngọn dễ đưa đến tình trạng lệch pha thông tin. Một lần, hai lần nói không khớp sẽ khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào doanh nghiệp.

Truyền thông từ ngọn dễ đưa đến tình trạng lệch pha thông tin. Nếu thông tin đi theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp thì sẽ có các quy trình kiểm soát chạy theo để đảm bảo thông tin được triển khai trên thực tế.

Khi đó, những gì doanh nghiệp phát ra sẽ là thước đo thực thi. Ngược lại, nếu thông tin đưa ra không đi đôi với thực tiễn dễ dẫn đến khủng hoảng truyền thông. Một lần, hai lần nói không khớp sẽ khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào doanh nghiệp.

Để tích hợp chiến lược, vai trò quản trị công ty từ hội đồng quản trị - đại diện cổ đông đưa ra định hướng và có kiểm soát triển khai. Họ có thể dùng hệ thống kiểm toán nội bộ, giám sát độc lập tức có cơ chế để giám sát.

Việc đẩy mạnh truyền thông, minh bạch thông tin có thể là con dao hai lưỡi, có mặt lợi và không lợi. Theo ông, doanh nghiệp phải quản trị rủi ro truyền thông như thế nào?

Tôi cho rằng, trước hết, cần có định hướng từ cấp cao nhất. Thứ hai, phải xây dựng cơ chế giám sát dòng chảy thông tin và kiểm soát việc thực thi. Bộ phận đó nên độc lập, đó chính là kiểm toán nội bộ, đánh giá rủi ro về truyền thông, hệ thống kiểm soát đã đặt đúng chỗ, đúng người chưa, thông tin đưa ra đã được triển khai mang kết quả mong muốn hay không. Bộ phận này cũng cần tách hẳn với ban điều hành.

Tính khả thi của bộ phận kiểm soát độc lập này tới đâu khi thực tế nhiều doanh nghiệp thiết lập bộ phận này chỉ mang tính chất “cho có”?

Đúng vậy, một số doanh nghiệp không quan tâm thích đáng đến việc thiết lập bộ phận kiểm toán nội bộ, hoặc nhân sự của bộ phận này không nghiêm túc, không làm đúng vai trò giám sát, kiểm soát của mình. Tất cả những thông tin được cung cấp ra bên ngoài, bao gồm cả thông tin tài chính đều phải qua kiểm soát nội bộ, từ người thực hiện công tác ghi chép đo lường thông tin đến người phê duyệt thông tin, cấp cao nhất là hội đồng quản trị.

Nếu hội đồng quản trị bỏ qua vai trò của mình, thông tin đưa ra ngoài chưa minh bạch sẽ gây bất lợi cho nhà đầu tư.

Nhưng đã có ai quay lại kiện hội đồng quản trị chưa? Theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông đại diện cho 1% cổ phần có thể kiện hội đồng quản trị, người đứng đầu doanh nghiệp về năng lực và cố tình làm sai trách nhiệm của mình, dẫn đến gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Khi cổ đông bị thiệt hại, đừng đổ lỗi cho bên ngoài như cơ quan quản lý, mà nhìn thẳng vào người mà nhà đầu tư ủy thác là hội đồng quản trị khi thực hiện công bố thông tin có đúng không, chưa nói đến việc điều hành, định hướng.

Luật pháp đã cho phép, nhưng theo ghi nhận của ông thì Việt Nam đã có vụ việc nào cổ đông kiện người lãnh đạo doanh nghiệp chưa?

Thực sự là chưa, một phần nhà đầu tư không để ý đến quyền lợi này và một phần do tâm lý ngại va chạm, kiện tụng.

Nhà đầu tư đặt niềm tin vào hội đồng quản trị trong công bố thông tin thì hội đồng quản trị phải có trách nhiệm khi đưa thông tin ra ngoài.

Theo ông, nhà đầu tư nên có thái độ thế nào với các động thái thông tin ra bên ngoài của doanh nghiệp?

Nếu thông tin công bố thường xuyên không đúng sẽ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, của thị trường. Doanh nghiệp xảy ra vấn đề công bố thông tin không đúng một lần có thể bào chữa được, nhưng doanh nghiệp thường xuyên xảy ra vấn đề này thì nhà đầu tư cần nhìn lại.

Có doanh nghiệp hoạt động ảnh hưởng đến môi trường, trực quan có thể thấy khí thải phát ra, nhưng họ chủ động truyền thông áp dụng khung báo cáo phát triển bền vững chuẩn. Họ phân tích khía cạnh doanh nghiệp phát triển kinh tế trước, đóng góp cho ngân sách, sản phẩm thúc đẩy kinh tế, thay đổi bộ mặt của cả một vùng, một ngành, tức giá trị mang lại nhiều.

Bên cạnh đó, về vấn đề môi trường họ đưa ra biện pháp kiểm soát chủ động, giảm thiểu tác hại môi trường một cách bài bản, người bị ảnh hưởng sẽ có lợi thế nào. Việc chủ động công bố thông tin và thông tin sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp, của chiến lược hoạt động đã tạo thiện cảm cho nhà đầu tư với doanh nghiệp đó.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là, doanh nghiệp cần phải chuyên nghiệp hơn trong công bố thông tin, chú trọng đến việc thông tin đưa ra gắn với chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp, qua đó xây dựng tốt hình ảnh doanh nghiệp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Góc chuyên gia: Thị trường diễn biến như hiện nay thì hầu hết nhà đầu tư đều bất lợi

Thị trường trong nước đang kỳ vọng một lực cầu mới tham gia thị trường như thị trường nước ngoài đã đón nhận và hồi ...

Khối ngoại tiếp tục nâng giá trị bán ròng phiên VN-Index "khởi nghĩa" thất bại

Phiên giao dịch ngày 29/9, Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng với giá trị gấp gần 3 lần so với phiên hôm qua, ...

Nhà đầu tư cá nhân trở lại mua ròng nhẹ phiên VN-Index "bay" thêm hơn 17 điểm

Phiên giao dịch ngày 30/9, nhà đầu tư cá nhân lại đảo chiều mua ròng 76 tỷ đồng, top mua ròng của nhà đầu tư ...

Theo Hải Minh/ĐTCK

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục