Dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược có gì đáng lưu ý?

(Banker.vn) Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược, lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ban hành.
Bộ Công Thương chủ động, nhanh chóng công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược Toạ đàm: Vượt 'rào cản' pháp lý, xúc tiến hàng Việt tiếp cận thị trường EU Cơ hội 'vàng' cho hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Belarus

Loạt quy định mới về hồ sơ khai báo hàng hóa lưỡng dụng

Theo dự thảo, Nghị định này quy định việc quản lý xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng. Nghị định này không áp dụng đối với việc xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược có gì đáng lưu ý?
Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược. (Ảnh: Cấn Dũng)

Nghị định này áp dụng đối với thương nhân xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 6 dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc quản lý hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa lưỡng dụng. Theo đó, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, thương nhân chỉ được thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển sau khi thực hiện khai báo và được bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý xác nhận trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Trường hợp thương nhân xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, trung chuyển đã được phê duyệt đáp ứng quy định về Chương trình tuân thủ nội bộ theo quy định tại Chương IV Nghị định này: Thương nhân thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, trung chuyển theo quy định hiện hành, không phải thực hiện khai báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Ngoài hồ sơ hải quan theo quy định hiện hành, khi làm thủ tục hải quan, thương nhân cung cấp bổ sung 01 Bản cam kết về việc hàng hóa không được sử dụng cho mục đích sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt (bản chính).

Điều 7 quy định hồ sơ, quy trình khai báo và xác nhận khai báo nêu rõ:

Thương nhân thực hiện khai báo trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia theo địa chỉ: www.vnsw.gov.vn. Quy trình khai báo về hàng hóa lưỡng dụng thực hiện theo từng lô hàng xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu.

Hồ sơ khai báo về hàng hóa lưỡng dụng gồm:

a) Thông tin khai báo về hàng hóa lưỡng dụng theo mẫu quy định tại Phụ lục II Nghị định này: Bao gồm các thông tin tổ chức, cá nhân xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu, các thông tin về hàng hóa xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu (số lượng, mô tả, mã hàng, đặc điểm kỹ thuật..., mục đích sử dụng), người sử dụng cuối cùng, tuyến vận chuyển,…).

b) Đính kèm các chứng từ có liên quan đến lô hàng lưỡng dụng: Hợp đồng xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, giấy phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành (nếu có).

Quy trình xác nhận khai báo hàng hóa lưỡng dụng:

a) Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ khai báo về hàng hóa lưỡng dụng của thương nhân, bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý theo phân công tại Phụ lục I Nghị định này có trách nhiệm gửi phản hồi xác nhận khai báo tới thương nhân và nêu rõ lý do.

b) Thông tin phản hồi xác nhận khai báo của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, có giá trị pháp lý để làm thủ tục hải quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, trung chuyển.

Thương nhân có trách nhiệm gì?

Điều 8 Dự thảo Nghị định nêu rõ trách nhiệm của thương nhân xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng.

Cụ thể, thương nhân cần tuân thủ quy định về quản lý xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng tại Nghị định này và quy định pháp luật hiện hành về quản lý ngoại thương, thương mại, pháp luật chuyên ngành, pháp luật thuế, hải quan, pháp luật khác. Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ khai báo hàng hóa lưỡng dụng và các tài liệu xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền.

Thương nhân cũng có trách nhiệm tổ chức làm việc và cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan cấp phép và các cơ quan liên quan khi cơ quan tiến hành kiểm tra việc thực thi quy định tại Nghị định này. Chịu trách nhiệm lưu trữ hồ sơ khai báo và các chứng từ liên quan để xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu 5 năm.

Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ

Ngoài trách nhiệm được quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành: Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm sau:

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành theo dõi việc thực hiện Quy trình nội bộ của các doanh nghiệp được xác nhận đáp ứng quy định về Quy trình nội bộ; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nắm rõ và thực hiện quy định về kiểm soát thương mại chiến lược; theo dõi và truy xuất thông tin về kiểm soát thương mại chiến lược thuộc quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Danh mục hàng hoá lưỡng dụng thuộc quản lý nhà nước của bộ; tổ chức thực thi, theo dõi và truy xuất thông tin về kiểm soát thương mại chiến lược thuộc quản lý nhà nước của bộ.

Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành ban hành theo bảng mã số HS hàng hóa kèm theo Danh mục hàng hoá lưỡng dụng; Chỉ đạo Cục Hải quan kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh đối với Danh mục hàng hóa kiểm soát thương mại chiến lược tại biên giới và khai báo của các Thương nhân theo quy định tại Điều 7 Nghị định này; chỉ đạo Cục Hải quan phổ biến, đào tạo cán bộ hải quan về năng lực nhận biết, xác định hàng hoá thuộc diện kiểm soát thương mại chiến lược; đầu tư trang thiết bị quản lý để kiểm soát được hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh đối với Danh mục hàng hóa kiểm soát thương mại chiến lược; chỉ đạo Cục Hải quan hợp tác với các cơ quan hải quan nước ngoài để thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế về hợp tác kiểm soát thương mại chiến lược.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng ban hành quy trình xét duyệt kiểm soát tài chính, thanh toán quốc tế và phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Bộ Ngoại giao chủ trì trao đổi với các cơ quan tổ chức quốc tế, đầu mối tiếp nhận các thông tin liên quan đến Danh sách hàng hoá lưỡng dụng cần kiểm soát theo các Điều ước quốc tế và các Thoả thuận đa phương, song phương; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Nghị định.

Chiều 1/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược. Phát biểu chỉ đạo cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn, ví dụ như: Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục