Dư nợ tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh 4 tháng đầu năm đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021         

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 4 tháng đầu năm 2022 vẫn duy trì ổn định và trong xu hướng tăng trưởng tích cực.

Thực hiện Chỉ thị 01 của NHTW và nhiệm vụ chương trình phục hồi kinh tế Thành phố, trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen xuất phát bởi những diễn biến khó lường từ xung đột địa chính trị, giá dầu và nguyên vật liệu trên thế giới tăng và tiềm ẩn áp lực về lạm phát, về giá cả trong nước song hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 4 tháng đầu năm 2022 vẫn duy trì ổn định và trong xu hướng tăng trưởng tích cực. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ ngành trên địa bàn và hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện chương trình phục hồi kinh tế của Thành phố.

Những kết quả cụ thể đạt được là:

Thứ nhất, thị trường tiền tệ ổn định tiếp tục củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của nhà đầu tư. Đây là kết quả quan trọng, trong bối cảnh tiềm ẩn các yếu tố tăng giá và áp lực lên lạm phát. Trong đó, các yếu tố thị trường: lãi suất, tỷ giá tiếp tục diễn biến theo đúng định hướng điều hành của NHTW, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lãi suất huy động tuy có sự thay đổi, song mức tăng không nhiều (tăng khoảng 0,17%- 0,2%/năm) và chủ yếu ở các loại sản phẩm tiền gửi đặc thù (như số tiền gửi lớn; kỳ hạn gửi trung dài hạn và gắn với sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử như gửi tiết kiệm online, sử dụng dịch vụ ngân hàng số…). Về cơ bản, lãi suất trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm ổn định và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn phục hồi và tăng trưởng.

Thị trường ngoại hối và vàng ổn định, cung cầu ngoại tệ ổn định và đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn. Mặc du bối cảnh thị trường tài chính, thị trường vàng thế giới 4 tháng đầu năm biến động mạnh, giá vàng tăng cao (tăng trên 9% so với cuối năm 2021) song tỷ giá và thị trường ngoại hối, vàng trong nước nói chung và tại Thành phố vẫn ổn định, tiếp tục khẳng định hiệu quả của cơ chế chính sách về quản lý thị trường vàng và ngoại hối của Chính phủ, của NHTW,  củng cố thêm niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với cơ chế chinh sách và môi trường đầu tư thuận lợi.

Thứ hai, tín dụng tăng trưởng tích cực và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Dự ước đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ này nhiều năm trước đây. Tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng cao, chủ yếu do nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, kinh tế Thành phố phục hồi nhanh. Trong đó tín dụng bằng VND chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng (chiếm 93%) và tăng trưởng 7,6% so với cuối năm 2021.

Tín dụng tăng trưởng gắn liền với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHTW và của UBND Thành phố; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; miền giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, giảm áp lực trả nợ và tiếp tục bổ sung vốn để phục hồi và tăng trưởng. Đến cuối tháng 4/2022, tổng giá trị nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, cho gần 2 triệu lượt khách hàng vay vốn, góp phần trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch để ổn định và phục hồi tăng trưởng.

Tín dụng đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) tiếp tục đạt tốc tăng trưởng cao. Theo đó, dư nợ cho vay các doanh nghiệp trong KCN-KCX trên địa bàn (đến cuối tháng 3/2022) đạt trên 400 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với cuối năm 2021, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn. Kết quả này phù hợp với những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN-KCX với hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá trong 3 tháng đầu năm và thời gian qua.

Dư nợ tín dụng ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực (xuất khẩu; nông nghiệp&nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt: 196 nghìn tỷ đồng, với lãi suất thấp (không quá 4,5%/năm) đã tạo điều kiện cho các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế phục hồi và phát triển. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 76% trong tổng dư nợ của chương trình này.

Thứ ba, kết quả kinh doanh tiếp tục duy trì tốt và đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng số. Đây là kết quả quan trọng, trong bối cảnh khó khăn và thách thức vẫn còn tiềm ẩn: tiềm ẩn rủi ro nợ xấu; tiềm ẩn biến động của giá cả. Kết quả này tiếp tục được duy trì, không chỉ đảm bảo củng cố năng lực tài chính cho các TCTD nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng, đảm bảo ổn định và tăng trưởng bền vững. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng của NHTW và chương trình phục hồi kinh tế của Thành phố.

Tuy nhiên, trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ngành ngân hàng Thành phố cần quan tâm thực hiện tốt các giải pháp về ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, với yêu cầu đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững; thực hiện nghiêm các quy định và chính sách của NHTW về tiền tệ, tín dụng và lãi suất; giữ ổn định lãi suất gắn với cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động; kiểm soát nợ xấu và đảm bảo chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả, quán triệt tinh thần chỉ đạo và khuyến nghị của NHTW về tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với các cơ chế chính sách về tín dụng của NHTW; Nghị quyết 11 của Chính phủ và đẩy mạnh các hoạt động phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn trong lĩnh vực công, trong điều kiện thuận lợi như hiện nay, khi UBNDTP đã có chỉ đạo cụ thể các sở ngành, quận huyện phối hợp với NHNN Thành phố; Kho bạc thành phố để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực y tế, giao dục; chi tiêu công…và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Theo:
    Bài cùng chuyên mục