Du lịch Việt Nam đã và đang tập trung tái cơ cấu thị trường

(Banker.vn) Du lịch Việt Nam đã và đang tập trung tái cơ cấu thị trường, đổi mới sản phẩm theo hướng đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh.
Du lịch Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nào? Thúc đẩy hợp tác, quảng bá, phát triển du lịch ASEAN

Trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch châu Á đang diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu du lịch Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch châu Á tại thủ đô Viêng Chăn, Lào nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu về chính sách du lịch điểm đến sản phẩm, nét đẹp của đất nước con người Việt Nam.

Du lịch Việt Nam đã và đang tập trung tái cơ cấu thị trường
Điện Biên quảng bá các nét đẹp về giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm du lịch đặc sắc. Ảnh: MH

Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Quý Phương - Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - cho biết, Việt Nam có 6 ưu điểm lớn để trở thành điểm đến hấp dẫn: "Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và đang phát triển theo hướng tăng cường liên kết; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả núi, rừng, biển và sông; nền văn hóa dân tộc phong phú, đặc sắc; người dân hiền hậu, mến khách, cần cù, linh hoạt, sáng tạo; hệ thống chính trị ổn định; an ninh trật tự được giữ vững.

Những năm qua, theo ông Nguyễn Quý Phương, với phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước”, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. hoặc đối tác chiến lược với cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia đối tác lớn; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương. Những điều kiện trên tiếp tục mở ra những thời cơ, vận hội cho phát triển kinh tế xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch.

Nhiều chính sách mới được Chính phủ Việt Nam ban hành, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch; Định vị thương hiệu du lịch quốc gia: “Việt Nam - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi”, “ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà”; xác định phương châm phát triển xuyên suốt của Du lịch Việt Nam là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin, các hoạt động du lịch đã trở lại bình thường và du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2023, Việt Nam vinh dự đón nhận 19 hạng mục Giải thưởng hàng đầu Thế giới và 54 hạng mục Giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng. Đặc biệt Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ 5 liên tiếp được bình chọn là “Điểm đến hàng đầu châu Á”.

Đặc biệt, từ ngày 15/8/2023, Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ với thời hạn tạm trú từ 30 ngày lên đến 90 ngày và nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực đơn phương. "Du lịch Việt Nam đã và đang tập trung tái cơ cấu thị trường, đổi mới sản phẩm theo hướng đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn trên thị trường, đồng thời nối lại và mở thêm nhiều đường bay quốc tế đến các thị trường mục tiêu như châu Âu, Mỹ, Úc và Ấn Độ"- ông Phương nhấn mạnh.

Cũng trong buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Điện Biên - địa phương đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2024 của Việt Nam đã giới thiệu đến các đơn vị truyền thông báo chí và các đối tác, đại biểu tham dự về những hình ảnh điểm đến, con người, nét đẹp văn hoá Điện Biên.

Theo đó, Điện Biên có các sản phẩm du lịch đa dạng, tập trung vào 3 dòng sản phẩm chính: du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch văn hóa sinh thái; du lịch giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, Điện Biên có vị trí địa lý thuận lợi, là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Việt Nam, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, địa hình đa dạng, khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân các dân tộc ở Điện Biên, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Việc đăng cai Năm du lịch Quốc gia Điện Biên 2024, lãnh đao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Điện Biên kỳ vọng sẽ đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các nét đẹp về giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần phát triển đột phá về du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trong những năm tiếp theo, nâng cao chất lượng các chương trình điểm đến du lịch mới hấp dẫn, thúc đẩy triển khai đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật tại khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang.

Xuyên suốt chương trình Năm du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 có 169 sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh với sự tham gia của 33 tỉnh, thành phố qua đó giới thiệu nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam một cách sâu sắc. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan trung ương tổ chức 13 hoạt động cấp quốc gia. Các tỉnh thành phố tổ chức 128 sự kiện, chương trình, lễ hội để hưởng ứng chương trình Năm du lịch Quốc gia Điện Biên 2024. Tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức 28 chương trình, sự kiện, lễ hội đặc sắc, hấp dẫn với quy mô liên tỉnh, quốc gia, quốc tế.

Dự kiến, chương trình khai mạc Năm du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 được tổ chức vào ngày 16/3/2024 tại TP. Điện Biên Phủ gắn với lễ hội hoa ban 2024. Về với Điện Biên là về với những trang sử hào hùng, về với vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ với những cung đường Tây Bắc huyền thoại, về với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Tỉnh Điện Biên mong muốn được tiếp đón du khách để trải nghiệm và khơi dậy những tiềm năng du lịch của mảnh đất hào hùng này.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục