Dự kiến vào cuối tháng 10 sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em

(Banker.vn) Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi từ cuối tháng 10 năm nay.

Theo lộ trình, có thể tiêm cho trẻ ở lứa tuổi 16, 17, sau đó sẽ mở rộng đến lứa tuổi nhỏ hơn, vì quá trình triển khai tiêm vẫn phải tiếp tục xem xét về tính an toàn. Kế hoạch tiêm dự kiến cuối tháng 10 này, song vẫn phải chờ kế hoạch cụ thể, sau khi có ý kiến của chuyên gia về tiêm chủng, y tế dự phòng. Bộ Y tế cũng sẽ có hướng dẫn và phân bổ vắc xin về các địa phương.

Trong các loại vắc xin Covid-19 đang được tiêm, hiện mới có vắc xin Pfizer đã được phê duyệt để tiêm cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi. Hãng Pfizer/BioNTech đã chính thức đệ trình hồ sơ lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em lứa tuổi từ 5-11. Dự kiến, FDA sẽ thảo luận đề nghị của Pfizer vào ngày 26/10 và quyết định chính thức có thể sẽ được công bố vào cuối tháng 10 hoặc trong tháng 11/2021.

Trong quá trình thử nghiệm, trẻ em độ tuổi từ 5-11 được áp dụng cơ chế tiêm 2 liều 10 microgam so với 30 microgam đối với các nhóm tuổi lớn hơn. Các mũi tiêm cách nhau 21 ngày. Sau khi tiêm mũi thứ hai, trẻ được thử nghiệm đã phát triển mức độ kháng thể tương đương nhóm lớn tuổi hơn và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Theo các nhà khoa học, trẻ em và người lớn có những khác biệt về sinh học, nên cần có những nghiên cứu riêng. Để có thể phát triển vắc xin cho trẻ em, các nhà khoa học phải thực hiện thử nghiệm trên người trưởng thành, rồi mới chuyển dần sang nhóm tuổi nhỏ hơn. Cũng như vắc xin cho người lớn, vắc xin cho trẻ em phải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng mới được FDA phê chuẩn.

Khuyến cáo của chuyên gia y tế, với vắc xin Pfizer, liều tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi hiện đang được hoàn thiện hồ sơ và dự kiến sẽ thấp hơn so với liều tiêm cho người lớn. Việc theo dõi phản ứng sau tiêm đối với trẻ em cần cẩn trọng giống như tiêm các loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm: Nguy cơ dị ứng, phản ứng nặng, các tình huống phản ứng cần được đến ngay cơ sở y tế.

Trên cả nước hiện có hơn 25 triệu trẻ em, trong đó có 23 triệu học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12, khoảng 9 triệu từ 12 đến dưới 18 tuổi. Thời gian qua, tại nước ta, trẻ em nếu mắc Covid-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn nhiều so với người lớn mắc bệnh. Tuy nhiên, số lượng trẻ em nhiễm Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 tại nước ta cũng tăng cao nhiều so với các đợt dịch trước.

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em cũng như đảm bảo môi trường học an toàn, nhiều địa phương đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho học sinh; các cơ quan chức năng cần có biện pháp tiếp cận với hãng sản xuất, tìm nguồn vắc xin phù hợp với lứa tuổi từ 12 trở lên, tính toán kế hoạch để ưu tiên tiêm vắc xin cho học sinh theo nhóm lứa tuổi khác nhau. Tiến tới những học sinh được tiêm vắc xin có thể trở lại trường vào học kỳ 2 năm học 2021-2022.

Theo Bộ Y tế, cùng với lượng lớn vắc xin Covid-19 Pfizer về Việt Nam thời gian tới, trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước đã có đề nghị và Việt Nam đang chờ nước bạn sớm gửi hồ sơ về vắc xin tiêm cho trẻ em để xem xét. Tuy nhiên, ngành y tế cũng vẫn chủ động công tác chuẩn bị về tổ chức, nhân lực... để triển khai tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi ngay khi có vắc xin và ý kiến của chuyên gia về tiêm chủng, y tế dự phòng.

Đến nay, Việt Nam đã phân bổ 56 triệu liều vắc xin Covid-19. Tính đến sáng ngày 10/10, cả nước đã tiêm được khoảng 53.763.377 liều Covid-19; đã có 760.801 bệnh nhân khỏi bệnh, chiếm 91% tổng số ca mắc Covid-19.

Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) đến nay, có 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai.

Thanh Tâm

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương