Dự kiến chi 3.505 tỷ đồng mỗi năm cho lực lượng an ninh trật tự cơ sở

(Banker.vn) Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Quốc hội góp ý về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở Băn khoăn chế độ bồi dưỡng "rất cao" cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng 27/10, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, không phát sinh thủ tục hành chính.

Dự kiến chi 3.505 tỷ đồng mỗi năm cho lực lượng an ninh trật tự cơ sở
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Đồng thời, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thành lập tổ và công nhận các chức danh của Tổ bảo vệ an ninh trật tự; rà soát chức năng, nhiệm vụ để không chồng chéo với các lực lượng khác và bảo đảm tính khả thi.

Tại thôn, tổ dân phố đã bổ nhiệm chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng thì Công an cấp xã đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định công nhận là chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh trật tự để bảo đảm không làm tăng biên chế.

Một số ý kiến đề nghị quy định khung số lượng Tổ và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự, vì cho rằng, nếu giao địa phương quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh trật tự, số lượng các chức danh Tổ bảo vệ an ninh trật tự sẽ dẫn đến tăng số lượng, đề nghị cân nhắc điều chỉnh cho hợp lý.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu quy định “cứng” về số lượng tổ, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn về yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Đồng thời cũng không sát với nhu cầu của từng thôn, tổ dân phố, vì mỗi vùng miền, khu vực thành thị, nông thôn có sự khác nhau.

Do đó, dự thảo luật quy định theo hướng “mở” để chính quyền địa phương căn cứ yêu cầu, điều kiện thực tiễn để quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và số lượng người tham gia hoạt động là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Cũng theo ông Lê Tấn Tới, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cho rằng không chỉ dừng lại ở số lượng khoảng 300.000 người như Tờ trình dự án Luật do Chính phủ trình và sẽ tăng kinh phí, ngân sách bảo đảm.

Do đó, đề nghị có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “đề nghị Chính phủ chỉ đạo tính toán đầy đủ, cụ thể (nhân lực, vật lực, tài lực) và đánh giá kỹ lưỡng tác động về biên chế, kinh phí và khả năng đảm bảo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội” và Chính phủ đã có Báo cáo số 518/BC-CP ngày 6/10/2023 gửi Thường vụ Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay trong toàn quốc có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Thực hiện quy định hiện hành, các địa phương trong cả nước đang chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động cho các lực lượng này khoảng 3.570 tỷ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở mới).

Tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự thì với 84.721 Tổ bảo vệ an ninh trật tự cần có ít nhất là 254.163 người tham gia (mỗi Tổ cần ít nhất 3 người) và dự kiến mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo luật là 3.505 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, do dự thảo luật quy định mỗi Tổ bảo vệ an ninh trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố, nên tổng số Tổ bảo vệ an ninh trật tự có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm xuống.

Như vậy, với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay.

Về lâu dài, tổng số lượng thôn, tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương