Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2023 của Quốc hội.
Tại phiên họp, liên quan đến dự án hồ Ka Pét tại tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho biết, ngày 4/9 xuất hiện bài báo khu rừng hơn 600 ha sắp bị phá làm hồ thuỷ lợi nói "UBND tỉnh Bình Thuận phá 600 ha rừng để xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại phiên họp |
Theo ông Tuấn, sau khi thông tin này được đăng tải, việc bài viết 3 lần liên tục sử dụng từ “phá rừng” đã gây ra một luồng phản ứng rất xấu, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Quốc hội, Chính phủ.
Ngay sau khi nhận được thông tin về hồ Ka Pét, Ủy ban đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin và có giải pháp xử lý nhanh, tránh gây bức xúc trong dư luận.
“Đến 18 giờ ngày 4/9 trên mạng đã xuất hiện những thông tin đúng hơn, khách quan hơn, nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ về dự án” - ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng thông tin, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội đã đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phải cung cấp các thông tin cần thiết hồ sơ của dự án cho các cơ quan có liên quan về thực hiện thẩm định, thẩm tra các dự án. Đặc biệt, là các nội dung về điều tra, đánh giá hiện trạng rừng, về trồng rừng thay thế, đánh giá tác động môi trường của dự án.
Uỷ ban cũng đã gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Thuận để đề nghị báo cáo về các nội dung có liên quan mà báo chí đăng tải và tình hình triển khai thực hiện dự án này theo nghị quyết của Quốc hội.
Ông Tuấn nêu, có tình trạng cơ quan báo chí đưa tin chưa thực sự sát sao về việc thực hiện dự án, để kẻ xấu lợi dụng đưa tin không chính xác, không đúng sự thật. Ví dụ như các thông tin sai trong bài viết hình ảnh về cây cổ thụ được đăng tải không nằm trong phạm vi của dự án.
Đồng thời, bình luận về đánh giá tác động môi trường không đúng quy định của pháp luật; bình luận về diện tích rừng, chất lượng rừng chưa đúng với hiện trạng mang tính kích động, gây tâm lý bất an trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan có liên quan.
Cho rằng thông tin và đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng tính chính xác, ông Tuấn đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư thực hiện dự án.
Cùng với đó, chỉ đạo các bộ, UBND tỉnh Bình Thuận phải nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 93 của Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết 101 Quốc hội khóa XV để sớm hoàn thành dự án, tích nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại huyện Hàm Thuận Nam. Mặt khác, chỉ đạo các cơ quan xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án nếu có.
Thông tin thêm, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khi xảy ra vụ việc cá nhân ông đang ở đó, đang đi kiểm tra công tác dân chủ ở cơ sở tại tỉnh Bình Thuận thì có thông tin từ một bài báo. Bí thư Tỉnh ủy đã báo cáo ngay Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông. Hôm sau thì báo đề nghị đính chính và nhận lỗi.
“Dư luận chung của người dân Bình Thuận thì rất bức xúc về việc đưa thông tin sai và ủng hộ chủ trương của Quốc hội là cho làm hồ chứa nước này. Thậm chí, người ta nói ông nào ngăn cản làm hồ nước này thì đi tìm nước cho dân sinh sống, sản xuất. Nhìn chung cử tri, nhân dân Bình Thuận rất đồng tình chủ trương của Quốc hội và tỉnh Bình Thuận làm dự án” - ông Bình nói.
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|