Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 1.164,5 điểm, tương đương 3,57%, và đóng cửa ở 31.490 điểm. Đây là phiên giảm sâu nhất của chỉ số gồm 30 blue chip này kể từ tháng 6/2020.
Từ đầu năm đến nay, Dow Jones đã có 5 phiên giảm trên 800 điểm, tất cả đều diễn ra trong vòng một tháng gần đây.
Chỉ số S&P 500 giảm 4,04% và đóng cửa ở gần 3.924 điểm. Đây cũng là phiên tiêu cực nhất của chỉ số đại diện thị trường này kể từ tháng 6/2020. Tình trạng bán tháo lan ra rộng khắp khi chỉ có 8 trong tổng số 500 cổ phiếu thành viên đóng cửa với sắc xanh.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 4,73% và kết phiên ở 11.418 điểm, đánh dấu phiên giảm sâu nhất kể từ ngày 5/5. Thống kê cho thấy đây là lần thứ 2 Nasdaq biến động trên 4,5% kể từ đầu năm 2021, hầu hết những lần chỉ số này tăng hoặc giảm mạnh đều diễn ra trong năm 2020.
Theo CNBC, thị trường bị bán tháo ồ ạt sau khi hai tập đoàn bán lẻ lớn là Walmart và Target liên tiếp cảnh báo về tình trạng lạm phát cao làm tăng chi phí và gây tổn hại tới lợi nhuận doanh nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng. Quý I theo niên độ tài khóa của Target và Walmart gồm các tháng 2, 3 và 4 dương lịch.
Bà Megan Horneman, Giám đốc đầu tư tại Verdence Capital Advisors nhận xét: “Người tiêu dùng đang gặp nhiều thách thức. Chúng ta bắt đầu thấy từ cuối năm trước rằng người tiêu dùng đã phải dùng tới thẻ tín dụng để trang trải cho các khoản chi phí lương thực và năng lượng cao hơn trước và tình hình ngày càng tệ hơn. Vấn đề này sẽ gây thiệt hại cho các công ty bán lẻ nhạy cảm với tình hình tài chính của người tiêu dùng, và Walmart là một trong số đó".
Hôm 17/5, Walmart thông báo lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích, lý do mà công ty đưa ra là chi phí nhiên liệu và lao động tăng mạnh. Cổ phiếu Walmart lao dốc 11% trong phiên 17/5 và giảm tiếp 6,8% trong phiên vừa qua.
Ngày 18/5, Target thông báo doanh thu tăng trưởng và vượt kỳ vọng của các chuyên gia nhưng lợi nhuận kém xa dự báo. Cổ phiếu Target cắm đầu sụt 24,9% trong một phiên.
CEO Brian Cornell cho biết lợi nhuận của Target không được như kỳ vọng vì “chi phí cao bất thường”, nhất là chi phí nhiên liệu. Ông còn cảnh báo áp lực chi phí “sẽ còn kéo dài trong tương lai gần”.
CNBC dẫn lời bà Kim Forrest, Nhà sáng lập công ty quản lý quỹ Bokeh Capital, nhận xét: “Rõ ràng là chi phí vận chuyển rất quan trọng và đang tác động tới một số tập đoàn lớn. Tôi nghĩ nhà đầu tư hiện đang băn khoăn doanh nghiệp nào sẽ là nạn nhân tiếp theo”.
Nhiều cổ phiếu ngành bán lẻ đồng loạt rớt thảm cùng với Target và Walmart trong phiên 18/5. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Retail ETF sụt 8,3%, Amazon mất 7,2%. Best Buy và Dollar General giảm tương ứng 10,5% và 11,1%. Dollar Tree, Macy's và Kohl's đều mất trên 10%.
Lowe’s giảm 5,3% sau khi hãng bán lẻ này thông báo doanh thu thấp hơn kỳ vọng do người tiêu dùng giảm mua sắm cho các hoạt động ngoài trời.
Ông Jack Ablin, Nhà sáng lập Cresset Capital, đánh giá: “Bất kỳ doanh nghiệp nào phụ thuộc vào chi tiêu hộ gia đình và các khoản tiêu dùng không thiết yếu nhiều khả năng sẽ chịu thiệt hại trong quý này vì phần lớn thu nhập đã được dồn cho các nhu cầu thiết yếu hơn như năng lượng và thực phẩm”.
Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều chìm trong biển đỏ phiên 18/5, như thể hiện ở thống kê bên dưới. Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng lao dốc mạnh nhất, tiếp đến là cổ phiếu công nghệ.
Song Ngọc
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|