Dòng tiền tiếp tục dịch chuyển sang nhóm VN30 và 3 kịch bản của VN-Index thời gian tới

(Banker.vn) Theo TPS, dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm VN30 khi đây là giai đoạn thị trường sẽ bị tác động bởi yếu tố kết quả kinh doanh quý II/2023, công ty chứng khoán này cũng đưa ra 3 kịch bản cho VN-Index trong thời gian tới...

Chứng khoán vẫn là cơ hội đầu tư tốt

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 7 cập nhật mới đây, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, động lực chính khiến thị trường tiếp tục đi lên trong tháng 6 đến từ đà tăng của nhóm vốn hóa lớn và vừa. Trong khi đó, nhóm vốn hóa nhỏ cho thấy sự suy yếu. Sự vận động này phù hợp với bối cảnh dòng tiền thời gian qua khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chính là khẩu vị giải ngân của khối ngoại và chiếm phần lớn danh mục của tổ chức trong nước.

Dòng tiền tiếp tục dịch chuyển sang nhóm VN30 và 3 kịch bản của VN-Index thời gian tới
Theo quan điểm của công ty chứng khoán, triển vọng thị trường trong nửa cuối năm đã tích cực hơn so với giai đoạn trước

Trong tháng 7/2023, TPS cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm VN30 khi đây là giai đoạn thị trường sẽ bị tác động bởi yếu tố kết quả kinh doanh quý II/2023. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến, hoặc cải thiện rõ rệt so với quý trước trong mùa báo cáo sắp tới, như SSI, HPG, STB, PLX, SSI...

Thanh khoản thị trường tháng 6 tiếp tục bùng nổ, đạt mức trung bình hơn 15.000 tỷ đồng/phiên. Theo TPS, điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã lạc quan hơn về triển vọng thị trường do những yếu tố tiêu cực nhất đã phản ánh vào thị trường trong năm 2022; các kênh đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn (lãi suất tiết kiệm giảm, thị trường trái phiếu chưa được gỡ rối hoàn toàn, bất động sản vẫn đang gặp khó); các công ty chứng khoán tích cực triển khai chương trình kích cầu...

TPS cho biết, tỷ suất E/P của VN-Index trung bình trong tháng 6 rơi vào khoảng 7,8% chưa bao gồm tỷ suất cổ tức. Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại nhóm ngân hàng quốc doanh (ở mức 7,2%) đã bị thu hẹp đáng kể.

“Mức chênh lệch hiện tại vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn cuối năm ngoái. Tuy nhiên lợi nhuận thị trường khả năng đã tạo đáy trong nửa đầu năm 2023 và dần được cải thiện trong thời gian còn lại, mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng đi lùi và khó có khả năng tăng trở lại trong năm nay. Do đó, chứng khoán vẫn sẽ là cơ hội đối với nhà đầu tư”, TPS nhận định.

Dòng tiền tiếp tục dịch chuyển sang nhóm VN30 và 3 kịch bản của VN-Index thời gian tới

Sau quá trình phục hồi mạnh, P/E của VN-Index hiện ở quanh mức 13,24 lần, vẫn thấp hơn mức P/E trung bình 5 năm là 15 lần nhưng đã tăng hơn so với mức định giá 12 lần trong giai đoạn trước. Cùng với đó, mức định giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngang bằng với nhiều chỉ số lớn trong khu vực như Trung Quốc (14,5), Indonesia (14,8), Malaysia (15). Đặc biệt, cao hơn nhiều so với thị trường cận biên (9,2) và thị trường mới nổi (13,1).

Định giá thị trường tăng lên cũng do lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của các doanh nghiệp niêm yết giảm 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số PMI có tháng thứ 4 liên tiếp nằm dưới mức 50 cùng việc xuất khẩu suy yếu đang báo hiệu về kết quả kinh doanh quý 2/2023 vẫn sẽ gặp khó khăn và tiếp tục khiến định giá của thị trường tăng lên.

Ba kịch bản của thị trường chứng khoán

Theo quan điểm của công ty chứng khoán, triển vọng thị trường trong nửa cuối năm đã tích cực hơn so với giai đoạn trước, khi VN-Index bứt phá khỏi xu hướng giảm dài hạn bắt đầu từ tháng 4/2022 và thành công kiểm định lại lực cầu tại đây để tiến vào xu hướng tăng.

Hiện tại, mặc dù chỉ số đã vượt được vùng cản 1.120 – 1.130 điểm nhưng đà tăng đã bắt đầu suy yếu cùng thanh khoản sụt giảm. Cùng với đó, xét về mặt định giá, thị trường đã không còn sự hấp dẫn như giai đoạn trước đây để thu hút sức mua đột biến.

Dòng tiền tiếp tục dịch chuyển sang nhóm VN30 và 3 kịch bản của VN-Index thời gian tới

Vì vậy, dựa trên biến động của VN-Index tại ngưỡng cản này và áp dụng lý thuyết Elliott Wave, TPS đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong thời gian tới như sau:

Kịch bản cơ sở, thị trường sẽ chững lại đà tăng chuyển sang biến động đi ngang trong vùng 1.100 – 1.150 điểm khi dòng tiền mua mới trở nên thận trọng và đứng ngoài quan sát kết quả kinh doanh quý 2/2023 dần được công bố trong tháng 7.

Kịch bản tích cực, với diễn biến lãi suất điều hành đang có chiều hướng giảm dần, kết hợp với yếu tố tỷ giá, lạm phát được kiểm soát, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển sang nơi có tỷ suất sinh lời kỳ vọng cao hơn, trong đó chứng khoán là sự lựa chọn tiềm năng.

Diễn biến này giúp thị trường tiếp tục thu hút dòng tiền mới tìm về, qua đó nối dài sóng 3 tăng với mục tiêu là vùng giá quanh mức 1.200 điểm.

Kịch bản tiêu cực, rủi ro sẽ đến từ những yếu tố như sự mất giá của VND trong bối cảnh Fed khả năng cao sẽ có 2 lần nâng lãi suất nữa trong năm 2023, kết quả kinh doanh của của một số doanh nghiệp vốn hóa lớn không đạt kỳ vọng...

Tuy nhiên, mặt bằng định giá hiện nay của thị trường vẫn chưa ở mức cao như những giai đoạn tăng nóng 2017 -2018 hay 2021. Do đó khó xảy ra cú sụt giảm mạnh. Trong kịch bản này, VN-Index sẽ có khả năng điều chỉnh về quanh mức hỗ trợ 1.020 điểm - vùng đáy tháng 2 và 3/2023.

Thị trường chứng khoán ngày 10/7/2023: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Chứng khoán phiên sáng 10/7: VN-Index vượt đỉnh với thanh khoản tăng mạnh

VN-Index tiếp đà tăng của phiên giao dịch tuần trước với sự tăng mạnh về thanh khoản cũng như diễn biến tích cực của điểm ...

VN-Index vượt kỳ vọng, nhiều cổ phiếu khuyến nghị tăng mạnh hơn thị trường chung

Trong tháng 6, VN-Index diễn biến tích cực hơn kỳ vọng của ABS khi tăng điểm lên vùng 1.140 trước khi điều chỉnh, nhiều cổ ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán