Dòng chảy dầu thô qua châu Á đang diễn biến như thế nào?

(Banker.vn) Câu hỏi chính về nhu cầu dầu thô của châu Á trong quý IV là đợt tăng giá gần đây sẽ ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ như thế nào?

Nhu cầu dầu thô của châu Á giảm hai tháng liên tiếp

Theo dữ liệu của LSEG, châu Á nhập khẩu 24,95 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 9, giảm nhẹ so với mức 25,22 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Nhập khẩu trong tháng 8 và tháng 9 là hai tháng thấp nhất tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023.

Nhập khẩu dầu thô của châu Á giảm tháng thứ hai liên tiếp do các nhà máy đang tập trung vào giai đoạn bảo trì và diễn biến giá dầu tăng cao đè nặng lên chi phí sản xuất.

Nhập khẩu dầu thô trong tháng 9 cũng yếu hơn gần 3 triệu thùng/ngày so với mức 27,9 triệu thùng/ngày trong tháng 7, đây là mức nhập khẩu hàng tháng cao nhất tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023.

Có hai lý do chính đằng sau khối lượng nhập khẩu sụt giảm. Trong đó, yếu tố thứ nhất mang tính tạm thời là việc bảo trì truyền thống đang diễn ra tại các nhà máy lọc dầu, bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến tháng 10.

Trong số các nhà máy lọc dầu hiện đang tiến hành bảo trì theo lịch trình, có các đơn vị gồm Khu phức hợp 1,24 triệu thùng/ngày tại Jamnagar ở Ấn Độ, nhà máy Nghi Sơn của Việt Nam, nhà máy lọc dầu Ulsan của SK Energy ở Hàn Quốc và CPC của Đài Loan.

Các nhà máy lọc dầu có xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng công suất trước khi bảo trì thường xuyên để tăng dự trữ sản phẩm, nhưng sau đó cắt giảm lượng mua dầu thô trong thời gian chờ đợi.

Yếu tố khác đằng sau việc nhập khẩu dầu thô giảm trong tháng 9 có thể là do giá dầu tăng, từ tháng 7 trở đi sau khi thành viên hàng đầu của OPEC+ là Ả Rập Saudi cho biết họ sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày.

Giá dầu Brent đã tăng 36,5% từ mức thấp 71,57 USD/thùng vào ngày 28/6 lên mức 97,69 USD/thùng vào ngày 28/9.

Sự sụt giảm trong nhập khẩu dầu thô trong tháng 9 ở châu Á có thể chỉ là khởi đầu khi nhu cầu phản ứng trước đà tăng giá, do các lô hàng đến vào tháng trước có thể đã được sắp xếp vào tháng 7, ngay khi bắt đầu đợt phục hồi quý III.

Có thể giá dầu cao hơn sẽ khiến nhập khẩu giảm trong quý IV, đặc biệt là khi giá bán lẻ nhiên liệu như dầu diesel và xăng đã tăng nhiều hơn mức tăng giá dầu thô.

Dòng chảy dầu thô qua châu Á đang diễn biến như thế nào?

Trung Quốc cố gắng tối đa hóa nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga và Iran

Biến số lớn đối với nhu cầu dầu thô của châu Á là Trung Quốc, nhà nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất thế giới, nước này cũng được cho là có lượng dự trữ dầu thô lớn khi giá giảm mạnh. Trung Quốc đã bổ sung khoảng 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày vào kho dự trữ dầu thô thương mại trong tháng 8.

Theo dữ liệu của LSEG, Trung Quốc đã nhập khẩu 11,53 triệu thùng/ngày trong tháng 9, giảm so với 12,49 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã bổ sung khoảng 810.000 thùng/ngày vào kho dự trữ, tương đương tổng cộng khoảng 197 triệu thùng.

Tồn kho tăng mạnh từ đầu năm 2023 đến nay tại Trung Quốc mang lại cho các nhà máy lọc dầu lựa chọn cắt giảm nhập khẩu, trong khi vẫn thúc đẩy xuất khẩu nhiên liệu để tận dụng tỷ suất lợi nhuận cao từ các sản phẩm đã lọc, đặc biệt là dầu diesel.

Điều cũng rõ ràng là Trung Quốc đang cố gắng tối đa hóa việc nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga và Iran, đồng thời giảm thiểu lượng dầu đắt hơn từ Saudi Arabia.

Nga là nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc trong tháng 9, cung cấp 1,8 triệu thùng/ngày, vượt qua mức 1,4 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia.

Ấn Độ, nhà nhập khẩu lớn thứ hai châu Á, cũng đang tăng nhập khẩu dầu thô của Nga, với lượng nhập khẩu 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9, tăng từ 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 8.

Nhập khẩu từ Nga tăng lên bất chấp mức chiết khấu thu hẹp xuống khoảng 4 - 5 USD một thùng từ mức 5 - 6 USD của tháng trước.

Câu hỏi chính về nhu cầu dầu của châu Á trong quý IV là đợt tăng giá gần đây sẽ ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ như thế nào?

Giá nhiên liệu cao hơn có khả năng gây ra lạm phát, có nghĩa là các ngân hàng trung ương có thể bắt đầu tăng lãi suất hoặc trì hoãn bất kỳ đợt cắt giảm nào, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng.

Nhu cầu dầu và đồng của Trung Quốc đang “bùng nổ”

Sự gia tăng trên thị trường hàng hóa diễn ra bất chấp câu chuyện tăng trưởng kinh tế vĩ mô đang chững lại ở Trung ...

Thị trường hàng hóa hôm nay 03/10: Nông sản khởi sắc, vàng chạm đáy gần 7 tháng và dầu thô giảm đáng kể

Trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm qua, sắc xanh lan tỏa ở nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp. Trong khi giá ...

Tổ hợp hóa dầu 3 tỷ USD ở Tân Cương và tính toán của Trung Quốc trên “bàn cờ” dầu mỏ

Trung Quốc đang xây dựng một trong những tổ hợp hóa dầu lớn nhất cả nước, để phục vụ cho nhu cầu dầu thô dự ...

Mộc Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán