Năm 2023 – bức tranh kinh tế đa chiều
Sau năm 2022 với rất nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt về câu chuyện tỷ giá - lãi suất những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia và tổ chức kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn theo mô hình chữ “V” trong năm 2023. Tuy nhiên, thực tế chứng minh những khó khăn chưa hẳn đã qua, trong bối cảnh những biến động của thị trường tài chính quốc tế và trong nước đã và đang tiếp tục tạo ra nhiều rủi ro tiềm ẩn, đồng thời thách thức những nỗ lực của chính phủ và các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Về cơ bản, nhu cầu hàng hóa toàn cầu đã suy yếu trong gần một năm qua. Bức tranh thương mại thế giới yếu kém và nhu cầu yếu từ Trung Quốc nói riêng cũng đè nặng lên mục tiêu tăng trưởng với các nước ASEAN. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất điều hành cao hơn trong khoảng thời gian lâu hơn tại Mỹ vẫn chưa đưa lạm phát của nước này quay trở lại mức mục tiêu.
Ngược lại, thị trường Trung Quốc vốn được kì vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại khi mở cửa sau đại dịch lại cho thấy những số liệu đáng lo ngại về đà hồi phục kinh tế. Tất cả những yếu tố kể trên khiến kinh tế thế giới nói chung trải qua một năm 2023 không mấy tích cực.
Quay trở lại với bức tranh trong nước 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam cũng có nét tương đồng với thế giới, mức tăng trưởng chậm lại đáng kể - chỉ đạt 4% - thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Tương tự như nhiều quốc gia có định hướng xuất khẩu, sự chững lại của nhu cầu đặt hàng từ các quốc gia phương Tây đã đè nặng lên cán cân thương mại của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.
Một số nhóm ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và điện thoại đã chứng kiến sự sụt giảm 2 chữ số trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, bức tranh thương mại tổng thể có những nét khởi sắc hơn kể từ đầu quý IV/2023. Tháng 11/2023 chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng trở lại ở mức 6,7% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp có mức tăng trưởng dương.
Mặc dù các mặt hàng như dệt may và da giày vẫn chưa hồi phục, các danh mục hàng hoá khác như linh kiện máy tính, máy móc và nông sản đều cho thấy mức độ tăng trưởng ấn tượng. Dù vậy, vẫn cần thận trọng với triển vọng thương mại, khi nhu cầu hàng hóa tại các đối tác thương mại lớn vẫn chưa thể hiện sự phục hồi một cách rõ nét. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tiếp tục giảm xuống còn 47,3 điểm trong tháng 11/2023, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm.
Ở phía ngược lại, nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Với các chính sách nới lỏng thị thực kể từ tháng 8/2023, ngành du lịch đã chứng kiến sự phục hồi bền vững, trong tháng 11/2023, Việt Nam đã đón hơn 1 triệu khách du lịch quốc tế. Tháng 12/2023, Tổng Cục Thống kê công bố, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, đạt mục tiêu đón 12,5-13 triệu lượt khách.
Bên cạnh đó, trong khi triển vọng thương mại toàn cầu có vẻ ảm đạm thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang đổ vào ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tỷ trọng FDI toàn cầu của khu vực đã tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tăng tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây. FDI mới vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong năm 2023 đã nhiều hơn 3 năm trước. Việt Nam đã và đang trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Trong khi phần lớn khoản đầu tư giai đoạn đầu đổ vào lĩnh vực dệt may và da giày, vốn là những nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, thì những năm gần đây, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng. Đặc biệt, vốn FDI mới vào lĩnh vực sản xuất vượt mức cả năm của 3 năm gần nhất. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng cho Việt Nam có được sự phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi hướng.
Cuối cùng, lạm phát nhìn chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Bình quân 12 tháng năm 2023, CPI tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu bình quân 4,5% do Quốc hội đề ra. Mặc dù giá gạo trong nước đối mặt với áp lực tăng do ảnh hưởng từ giá quốc tế tăng cao, giá thịt giảm đã giúp bù đắp nhiều hơn. Tất nhiên, rủi ro lạm phát vẫn cần được theo dõi.
Thị trường tiền tệ
Về tỷ giá, năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm đầy biến động của cặp tỷ giá USD/VND, mặc dù biên độ không lớn như nửa sau của năm 2022. Tính chung từ đầu năm, VND đã mất giá 2,9%. Những tác động chính tới tỷ giá trong năm nằm trong những biến động giữa lãi suất và rủi ro, lạm phát và tăng trưởng.
Kinh tế tăng trưởng yếu, lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng và giảm bớt lo ngại về thanh khoản đã khiến ưu tiên chính sách của Việt Nam tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng. Điều này hoàn toàn trái ngược với Mỹ, nơi thị trường việc làm không hạ nhiệt và lạm phát cơ bản neo cao đã khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) duy trì xu hướng thắt chặt trong phần lớn thời gian của năm 2023. Chính sự khác biệt ngày càng gia tăng về chính sách tiền tệ cùng với bối cảnh thanh khoản tiền VND dồi dào đã đẩy cặp tỷ giá USD/VND tăng trong phần lớn thời gian của năm nay.
Bên cạnh đó, đồng bạc xanh USD đã có một năm nhiều diễn biến bất ngờ. Trong đầu năm, thị trường lạc quan xung quanh câu chuyện mở cửa trở lại của Trung Quốc và cũng được khích lệ bởi sự tăng trưởng trở lại ở các nền kinh tế Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh. Tuy nhiên, do lạm phát vẫn dai dẳng hơn dự kiến của thị trường, rõ ràng các ngân hàng trung ương (NHTW) phải có nhiều động thái hơn để xoa dịu áp lực giá cả. Lập trường diều hâu kéo dài của các NHTW làm dấy lên mối lo ngại về tác động lan tỏa đối với nền kinh tế lần đầu xuất hiện vào tháng 3/2023, khi xảy ra cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng bắt đầu suy giảm trên toàn cầu, còn nền kinh tế Trung Quốc đã không hồi phục mạnh như thị trường kỳ vọng. Giữa những bất ổn này, đồng USD biến động trong phạm vi rộng. Trong khi đó, kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiệu ngoại lệ, khi các số liệu kinh tế và việc làm vẫn tích cực, còn lạm phát đã không hạ nhiệt nhanh như kỳ vọng. Điều này khiến lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã có thời điểm vượt trên 5% trong tháng 10/2023 và cũng tạo ra lực đẩy cho USD.
Sự mạnh lên của đồng USD cũng là tác nhân chính khiến tỷ giá USD/VND có những bước tăng giá nhanh trong quý III/2023, lên vùng giá cao nhất năm là 24.600. Bước sang những tháng cuối năm, khi lạm phát tiếp tục giảm so với mục tiêu của ngân hàng trung ương và tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức yếu, thị trường bắt đầu nhìn nhận nhiều hơn về việc cắt giảm lãi suất điều hành vào năm 2024, cùng với việc FED “xoay trục” vào tháng 12/2023 đã khiến USD có xu hướng yếu hơn. Điều này góp phần đưa tỷ giá hạ nhiệt trở lại về vùng giá 24.250-24.350 VND/USD. Kết thúc năm, tỷ giá USD/VND tăng 2,9% so với cuối năm 2022.
Về lãi suất, trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng ngay trong những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng cường nỗ lực triển khai biện pháp hỗ trợ thông qua điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng.
Cụ thể, NHNN đã là một trong những NHTW đầu tiên tại khu vực châu Á thực hiện việc cắt giảm lãi suất điều hành. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, NHNN đã bất ngờ thực hiện liên tiếp 4 lần cắt giảm lãi suất. Áp lực lạm phát không quá lớn, thanh khoản VND tương đối ổn định, đã là điều kiện cần thiết để NHNN thực hiện việc hạ lãi suất nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế. Kết quả này góp phần định hướng đưa mặt bằng lãi suất nói chung và lãi suất cho vay nói riêng dần hạ nhiệt so với giai đoạn 6 tháng cuối năm trước, giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn, đồng thời giúp các thị trường tài sản như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản dần ấm trở lại vào những tháng cuối năm.
Theo báo cáo mới nhất của NHNN, cuối năm 2023, tín dụng tăng 13,5%, là mức tăng tương đối nhanh so với mức tăng trưởng 9,15% vào cuối tháng 11/2023, mặc dù vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu 14% của năm nay.
Năm 2024 – các mảng màu mới
Nhìn về năm 2024, chúng ta có thể thấy, dường như những khó khăn nhất đã ở phía sau. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã phục hồi lên 6,72% so với cùng kỳ trong quý IV/2023.
Đóng góp cho đà hồi phục này là nhờ sự cải thiện về thương mại đã bắt đầu trong quý IV/2023. Tháng 11/2023 cũng đánh dấu là tháng thứ 3 liên tiếp Việt Nam chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các lĩnh vực mới có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu như nông sản cũng tiếp tục cho thấy sự cải thiện đáng kể về những tháng cuối năm. Ngoài sản xuất, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng tiếp tục là trụ cột vững chắc cho tăng trưởng.
Mặc dù vậy, sự phục hồi là không đồng đều khi các mặt hàng xuất khẩu như dệt may và da giày vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục. Có thể phải mất một thời gian mới thấy được sự phục hồi trên diện rộng trong thương mại. Mặt khác, vốn đăng ký FDI vẫn rất tích cực, phản ánh sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất đang lên. Trong khi đó, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP 6,0 - 6,5% trong năm 2024, phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện hoạt động kinh tế trong năm.
Về lạm phát, nhìn chung chỉ số CPI vẫn đang được kiểm soát tốt. Bất chấp một số rủi ro tăng giá từ lương thực và năng lượng, áp lực giá cả cơ bản vẫn đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu bình quân 4,5% mà Chính phủ đề ra.
Về lãi suất, bên cạnh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cùng với việc duy trì thanh khoản VND dồi dào, NHNN cũng đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đến hết năm 2023 ở mức 13,5%, thấp hơn so với mục tiêu 14% trong năm nay. Với triển vọng toàn cầu ổn định và lạm phát ở mức vừa phải, nhóm nghiên cứu HSBC kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên mặt bằng lãi suất điều hành trong thời gian sắp tới.
Về tỷ giá, nhóm nghiên cứu HSBC kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ duy trì áp lực tăng trong nửa đầu năm 2024 vì 4 lý do chính, gồm:
Thứ nhất, sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa FED và NHNN có thể sẽ vẫn còn lớn;
Thứ hai, thanh khoản VND đặc biệt trên thị trường liên ngân hàng có thể sẽ tiếp tục duy trì dồi dào do tăng trưởng tín dụng thấp hơn kỳ vọng và giải ngân đầu tư công chưa cho thấy nhiều đột biến;
Thứ ba, trong khi thặng dư thương mại và FDI của Việt Nam có thể duy trì ở mức cao, những biến động trên thị trường quốc tế có thể tiếp tục gây tác động tiêu cực tới thương mại;
Cuối cùng, đồng USD nói chung được dự báo sẽ vẫn tiếp tục duy trì mạnh lên trong nửa đầu năm 2024, bên cạnh sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ (CNY), từ đó cũng tác động trực tiếp lên biến động của tỷ giá USD/VND
Ngô Đăng Khoa - Vũ Bình Minh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|