Ông Nguyễn Văn Thái - Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 tại Bảo Thắng cho biết: Tổ Quản lý thị trường số 3 hiện đang quản lý hơn 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Bảo Thắng. Vào dịp Tết Nguyên đán, hàng hóa lưu thông trên thị trường với số lượng lớn, rất đa dạng về mặt hàng, xuất xứ, chủng loại, mẫu mã và giá cả, nhất là thực phẩm.
Đội Quản lý thị trường số 3 đã kiểm soát chặt chẽ tại các cửa hàng thực phẩm |
Thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2023; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Đội Quản lý thị trường số 3 đã triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng và việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của các đối tượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Kiểm tra chặt chẽ tại các đại lý lớn, cửa hàng tạp hóa |
Để phục vụ thị trường Tết, cửa hàng tạp hóa Trần Xuyên ở xã Phú Nhuận đã chủ động nhập mới hàng trăm triệu đồng các mặt hàng bánh mứt, kẹo, đồ uống và các đồ thực phẩm, trong đó, 100% là hàng Việt Nam có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.
Chị Nguyễn Thị Phương Loan, chủ cửa hàng cho biết: Hàng nhập từ các nhà phân phối được kiểm định về an toàn thực phẩm, giá cả các mặt hàng bánh, mứt kẹo Tết năm nay ở mức ổn định so với ngày thường, nên sức mua của người dân khá cao.
Chị Chảo Mùi Láy, người dân đi mua sắm hàng tết ở Phú Nhuận cho biết các mặt hàng Tết năm nay được bày bán tại chợ truyền thống của địa phương đa dạng từ đồ dùng gia đình đến thực phẩm, giá không tăng so với ngày thường. Tiêu chí chọn sản phẩm của chị trước tiên phải có nguồn gốc xuất xứ, tiếp đến là giá cả và chất lượng. Chị thường chọn mua hàng trong nước sản xuất bởi xuất xứ rõ ràng, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng.
Kiểm tra, siết chặt quản lý các mặt hàng tươi sống ở các chợ truyền thống |
Tại các đại lý lớn, cửa hàng, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu ở các chợ truyền thống, hộ kinh doanh thời vụ Tết trên địa bàn huyện cũng tích cực nhập hàng, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú, giá cả ổn định, cạnh tranh.
Hay như cửa hàng tạp hóa Duyên Cương, một trong những địa chỉ buôn bán hàng tiêu dùng lớn nhất tại thị trấn Phố Lu, chị Nguyễn Thị Duyên, chủ cửa hàng tạp hóa, thông tin: Nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của người dân tăng khoảng 20-30% so với ngày thường. Gia đình chị đã chủ động nắm bắt tình hình thị trường, chuẩn bị đủ về lượng, phong phú về chủng loại với chất lượng đảm bảo; bao bì, mẫu mã đẹp, lịch sự; giá cả hợp lý, tập trung vào một số mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng để phục vụ nhu cầu của người dân, như: Bánh mứt kẹo, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Ngoài các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm, hàng tươi sống thì các mặt hàng điện máy, đồ gia dụng, cũng tung ra nhiều chương trình, khuyến mại cuối năm, xong vẫn giữ mức bình ổn giá.
Tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm |
Cửa hàng điện tử Khương Loan, thị trấn Phố Lu, thời điểm này, các mặt hàng điện tử tiêu dùng được bày bán phong phú từ ti vi, tủ lạnh, máy giặt đến các đồ điện gia dụng, như: Nồi cơm điện, bếp từ, ấm điện… Theo anh Đỗ Viết Khương, chủ cửa hàng điện máy Khương Loan thị trấn Phố Lu, những tháng cuối năm thường là thời gian cao điểm bán hàng Tết, nên của hàng chủ động nhập hàng số lượng lớn và từ sớm để tránh đợt tăng giá theo thông báo của nhà sản xuất. Đồng thời luôn chấp hành pháp luật về giá, không tăng giá bất hợp lý; không tiếp tay cho các hành vi vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu.
Thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chỉ tính trong tháng đầu tiên của năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 3 đã kiểm tra 9 vụ, qua đó, phát hiện và xử lý 4 vụ, với tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 10 triệu đồng. Cùng với đó, Đội phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm tốt nguồn cung hàng hóa thiết yếu; tăng cường công tác trao đổi thông tin, cảnh báo, nắm tình hình, đối tượng, mặt hàng trọng điểm; phương thức, thủ đoạn chủ yếu và mới của các đối tượng, để có phương án, kế hoạch đấu tranh xử lý hiệu quả.
Tuy nhiên để công tác quản lý thị trường đạt hiệu quả, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là các hộ sản xuất, kinh doanh không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; khi phát hiện hành vi vi phạm gian lận thương mại cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm cần kiểm tra kỹ tem, mác, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, nên mua hàng hóa của các nhãn hiệu có uy tín, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thanh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|