Doanh nghiệp nhà nước đóng góp ngân sách khoảng 166 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm
Chỉ thị nêu rõ, năm 2023, tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó khăn hơn so với dự báo, tạo sức ép, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của nước ta. Tuy nhiên, với sự vào cuộc, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Trong thành công chung có sự đóng góp tích cực, quan trọng của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1.652 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 166 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
DNNN ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển KTXH và bảo vệ tổ quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộc một số hạn chế như: một số DNNN chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra, còn có DNNN hoạt động thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm...
Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng
Để tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư phát triển của các DNNN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2024, với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các DNNN nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc/giám đốc, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo ra khí thế, tư duy, cách làm mới, quyết tâm, quyết liệt trong hành động.
Khẩn trương triển khai có kết quả và hiệu quả Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt, các nhiệm vụ, chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và kịp thời giải ngân vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Nghiên cứu, gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ngành, lĩnh vực mới nổi.
Ưu tiên tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế; tạo thế và lực cũng như cơ sở xây dựng định hướng phát triển, tầm nhìn chiến lược giai đoạn tiếp theo.
Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao, góp phần cao nhất bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và bảo đảm đời sống cho người lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
DNNN là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các DNNN tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế, bảo đảm DNNN là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế.
Trong đó, các DNNN đang thực hiện đầu tư, thi công kết cấu hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn trong triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, các đường cao tốc trục Đông Tây, các trục cao tốc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng phấn đấu hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 và trên 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030; đẩy nhanh tiến độ các dự án: Vành đai 4 Vùng thủ đô, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh…, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga hành khách T3 Sân bay Tân Sơn Nhất; sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn…
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), VNPT, Mobifone, Tổng công ty công nghệ - viễn thông toàn cầu (GTEL)… tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số; đồng thời đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi (chip bán dẫn...).
Tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc phát sinh trong phát triển các dự án nhiệt điện khí
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500 KV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), phấn đấu đưa vào khai thác trong tháng 6 năm 2024.
EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và đơn vị trực thuộc triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) theo quy định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. EVN, PVN chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc phát sinh trong phát triển các dự án nhiệt điện khí để vừa góp phần thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện khí và các dự án khai thác khí.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng các DNNN là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tăng khả năng dự báo diễn biến giá thị trường thế giới, chủ động phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế và giảm thiểu bất lợi do biến động về giá xăng dầu thế giới.
Các DNNN được giao nhiệm vụ quản lý khai thác hệ thống hạ tầng nông nghiệp là các công trình thủy lợi tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tưới, tiêu ứng phó hạn hán xâm nhập mặn để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam chủ động, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ mủ cao su; đẩy mạnh hoạt động chế biến xuất khẩu gỗ, đồ gỗ.
Các công ty cung cấp dịch vụ khai thác hải sản tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ hậu cần cho ngư dân bám biển xa bờ, phát triển kinh tế biển.
Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ
Các DNNN thuộc Bộ Công Thương, UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hà Nội và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa; phát triển logistics; "làm mới" sản phẩm du lịch gắn với phát triển kinh tế đêm tại các đô thị lớn.
Các DNNN cung cấp dịch vụ công ích tại các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ công ích, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân (đặc biệt là việc chống ngập úng đô thị, bảo đảm cấp nước sạch đô thị liên tục).
Các DNNN trong lĩnh vực xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở đô thị đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; góp phần triển khai nhanh, hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ.
Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục rà soát, đơn giản thủ tục cho vay, giải ngân, đúng quy định, tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, bảo đảm chi phí lãi vay hợp lý nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Các bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan đại diện chủ sở hữu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi. Chủ động tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.
Chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan: thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ, năng lượng... góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.
Sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực, phát triển KTXH
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực, phát triển KTXH và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của DNNN.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp tại địa phương theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện giao, cho thuê đất và xác định giá trị tiền sử dụng đất kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật.
Nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những diện tích đất làm công trình phục vụ khai thác vận tải đường sắt.
H.Q
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|