Doanh thu kênh đào Suez giảm gần 50%; nhiều công ty lớn “gặp khó” vì tình hình Biển Đỏ

(Banker.vn) Theo cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), tổng số tàu di chuyển qua kênh đào này trong tháng vừa qua chỉ đạt 1.362 tàu, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Tàu container qua Biển Đỏ và kênh đào Suez giảm mạnh, chi phí vận chuyển tăng hơn 300% WTO: Lúa mì vận chuyển qua kênh đào Suez giảm gần 40% Nga xuất khẩu nông sản phá kỷ lục; vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez giảm 45%

Doanh thu kênh đào Suez giảm gần 50%

Chủ tịch SCA của Ai Cập, ông Osama Rabie cho hay, doanh thu của kênh đào Suez trong tháng vừa qua đã giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 804 triệu USD xuống còn 428 triệu USD, trong bối cảnh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ.

Trước đó, lực lượng Houthi đã bắt đầu tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ từ tháng 10/2023 sau khi xung đột giữa Israel-Hamas bùng phát và không có dấu hiệu dừng lại.

Van tai bien
Nhiều công ty vận tải biển phải chuyển hướng tàu khỏi Biển Đỏ

Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực tháng 1/2024 được công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Ai Cập đặc biệt dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ vì kênh đào Suez có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế của nước này.

Ngoài ra, Ai Cập đang đàm phán với IMF để thúc đẩy và mở rộng thỏa thuận tín dụng trị giá 3 tỷ USD, được ký kết giữa hai bên vào tháng 12/2022 nhằm giúp Cairo vượt qua khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, thỏa thuận đi kèm với những điều kiện nghiêm ngặt, theo đó IMF yêu cầu Ai Cập cắt giảm chi tiêu công và thả nổi tự do đồng nội tệ.

Nhiều công ty lớn “gặp khó” vì tình hình Biển Đỏ

Gần đây, nhiều công ty vận tải biển đã chuyển hướng khỏi Biển Đỏ để tránh các cuộc tấn công của Houthi, thay vào đó họ chọn tuyến đường dài hơn và đắt đỏ hơn quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.

Theo đó, nhiều công ty trong ngành ôtô như công ty sản xuất ô tô Suzuki của Nhật Bản, Geely của Trung Quốc và Volvo của Thụy Điển, cũng như công ty sản xuất lốp xe Michelin, đã phải ngừng hoạt động sản xuất trong một khoảng thời gian vì nguyên vật liệu và máy móc được vận chuyển đến muộn.

Nhà sản xuất xe điện TESLA cũng cho biết sẽ tạm dừng hầu hết hoạt động sản xuất ô tô tại nhà máy gần Berlin, Đức từ ngày 29/1-11/2 do thiếu phụ tùng.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực năng lượng, các tập đoàn BP, Equinor, Shell và Qatarenergy cho biết, đã dừng tất cả hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ và chuyển hướng sang các tuyến đường khác. Theo Giám đốc điều hành của công ty Edison, nguồn cung khi tự nhiên hóa lỏng từ Qatar đã bắt đầu chậm lại. Trong khi đó, công ty lọc dầu của Mỹ Valero Energy thông báo, các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã khiến cước phí vận chuyển dầu thô ngày càng gia tăng.

Tuyến đường sắt qua Nga hưởng lợi từ tình hình Biển Đỏ

Khủng hoảng Biển Đỏ thúc đẩy nhu cầu vận tải đường sắt qua Nga sau khi các chủ hàng lớn ngừng sử dụng tuyến hàng hải quan trọng do các cuộc tấn công của Houthi.

Theo đó, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ đã thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng đối với các tuyến đường thay thế như tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu chạy qua vùng Viễn Đông của Nga.

Các công ty vận chuyển hàng hóa đã ghi nhận lượng yêu cầu và đặt chỗ cho tuyến đường này tăng mạnh. Vận chuyển bằng đường sắt hấp dẫn các chủ hàng vì giá rẻ hơn so với vận tải hàng không và nhanh hơn so với sử dụng vận tải đường biển.

Ông Igor Tambaca, Giám đốc điều hành của Công ty Hậu cần Hà Lan Rail Bridge Cargo cho biết, lượng đặt chỗ cho tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu đã tăng 37% trong 4 tuần qua.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương