Doanh nhân Việt luôn sẵn sàng đổi mới sáng tạo

(Banker.vn) Thị trường hiện không mấy khả quan song với bản lĩnh và kinh nghiệm sẵn có, các doanh nhân Việt sẽ lèo lái doanh nghiệp tìm được những giải pháp thích ứng.
Doanh nhân Việt Nam - gắn kết và phát triển

Đây là những chia sẻ của các doanh nghiệp tại sự kiện kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam với chủ đề “Khát vọng doanh nhân” và hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức ngày 11/10.

Doanh nhân Việt luôn sẵn sàng đổi mới sáng tạo
Các doanh nhân chia sẻ về hoạt động đổi mới sáng tạo trong kinh doanh

Theo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng may mặc, tiêu dùng…, sau Covid-19, đổi mới sáng tạo càng trở thành nhiệm vụ sống còn để bảo đảm mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội, “biến nguy thành cơ” nên tất cả các ngành nghề sản xuất, dịch vụ, du lịch… phục hồi rất nhanh. Tuy vậy, sang quý III/2022, do xung đột Nga - Ukraine nên một số ngành nghề, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Dự kiến quý IV sẽ tiếp tục có nhiều thách thức đối với một số ngành nghề.

Đơn cử như lĩnh vực sản xuất dệt may, ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết: Với ngành dệt may, nguy cơ lạm phát những thị trường xuất khẩu chủ lực đang ngày càng gia tăng, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm may mặc vì vậy cũng bị ảnh hưởng.

Ông Việt cho rằng, trong giai đoạn này, những doanh nghiệp đã đầu tư chuyển đổi số, hiện đại hoá sản xuất và có chi phí sản xuất cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội duy trì, phát triển đơn hàng mới.

“Tại doanh nghiệp chúng tôi đã đổi mới từ nhiều năm trước. Theo đó, chúng tôi tái cấu trúc và hoàn chỉnh lại bộ máy quản trị để phù hợp với công nghệ mới, ứng dụng các phần mềm và cập nhật liên tục 6 tháng một lần để doanh nghiệp có thể cạnh tranh về giá và chất lượng, thích nghi được với thị trường hiện nay.

Về chi phí, chúng tôi cũng tiết kiệm được 70% so với cách làm cũ. Còn về công nghệ và con người chúng tôi giảm bớt được rất nhiều”- ông Việt chia sẻ.

Quan trọng hơn, từ năm 2023, châu Âu chỉ mua hàng của những doanh nghiệp “xanh” và có cơ chế giám sát rất chặt chẽ. Những doanh nghiệp chậm chuyển đổi xanh hóa sản xuất sẽ mất cơ hội, buộc phải tuân thủ “luật chơi” chung hoặc tìm thị trường khác.

Bên cạnh đó, theo ông Việt, dù hiện nay tình hình không mấy khả quan song với bản lĩnh và kinh nghiệm sẵn có, các doanh nhân Việt sẽ lèo lái doanh vượt qua khó khăn, tìm được những giải pháp thích ứng với thị trường biến động nhiều và nhanh như hiện nay.

Trên thực tế, giai đoạn hiện tại, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải tái cấu trúc, đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản trị, vận hành sản xuất, dịch vụ, tích hợp với ngân hàng và chính quyền... Những doanh nghiệp không đổi mới mà vẫn đi theo lối mòn cũ sẽ rất khó tồn tại trong thời gian tới.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương