Doanh nghiệp xuất khẩu “nín thở” theo dõi tình hình đơn hàng

(Banker.vn) Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang hồi hộp theo dõi diễn biến các xung đột cũng như những tác động sau đó để tìm giải pháp ứng phó.
Doanh nghiệp tìm cách xoay sở trước biến động tỷ giá Giá cà phê leo đỉnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo không có hàng để bán

Sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel khiến tình hình ở khu vực Trung Đông thêm căng thẳng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang hồi hộp theo dõi diễn biến xung đột cũng như những tác động sau đó để tìm giải pháp ứng phó.

Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết -hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 7, các nhà máy đang tuyển thêm công nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp cũng đang lo lắng bởi không biết tình hình sắp tới sẽ như thế nào.

Theo ông Trung, hiện tình hình xung đột địa chính trị vẫn đang diễn biến khó lường, nếu xung đột không dừng lại mà tiếp tục lan rộng thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ ngày càng khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất đó là chi phí vận chuyển bị đội lên. “Một đôi giày có giá 100 đồng, cộng thêm 50 đồng tiền vận chuyển, giờ tiền vận chuyển tăng thêm 60 - 70 đồng thì doanh nghiệp sẽ không thể bán được hàng”, ông Nguyễn Chí Trung chia sẻ.

Doanh nghiệp xuất khẩu “nín thở” theo dõi tình hình đơn hàng
Doanh nghiệp "nín thở" theo dõi tình hình đơn hàng

Ông Nguyễn Văn Khánh - Chủ tịch Hội da giày TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, đa số doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng. Nhiều nhà máy vẫn cắt giảm công nhân do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. “Qua khảo sát mới đây của hội, chỉ khoảng 40% doanh nghiệp trong hiệp hội có đơn hàng đến tháng 5, tháng 6. Đa phần các đơn hàng xuất khẩu qua châu Âu và Mỹ. Còn lại, từ quý 2 đến cuối năm chưa có", ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, bên cạnh những khó khăn do tình hình xung đột chính trị, hiện ngành da giày còn phải đối mặt với thách thức từ cuộc cách mạng 4.0, sản xuất xanh, giảm phát thải….

Bên cạnh đó, việc Bộ Tài Chính đề xuất áp thuế 10% các dịch vụ xuất khẩu sẽ khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó bởi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu phải đóng thuế sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao. Do đó, doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tìm nguồn cung mới từ bên ngoài. Điều này khiến chuỗi cung ứng sẽ bị dịch chuyển ra bên ngoài, và đem thuận lợi cho các nước khác.

Cũng trong vòng xoáy lo lắng, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) - bày tỏ, từ đầu năm đến nay, đơn hàng của doanh nghiệp giảm do khách hàng lo ngại tình hình bất ổn. "Chúng tôi hiện xuất khẩu sang Trung Đông, dù không nhiều nhưng vẫn giữ mối quan hệ với các khách hàng ở thị trường này để chờ hồi phục", ông Thứ nói.

Theo ông Thứ, xung đột tại Trung Đông có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Nguyên nhân là do giá cả các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất sẽ tăng, cước vận chuyển cũng sẽ tăng và người tiêu dùng trên thế giới có thể thắt chặt chi tiêu trở lại do lo ngại bất ổn.

“Ngay cả tình huống tốt nhất là các bên kiềm chế, xung đột không leo thang nữa thì kinh tế thế giới cũng hồi phục chậm, sức mua trên thế giới giảm. Rất có thể trong vài tháng tới, giá cả nhiều mặt hàng đầu vào sản xuất sẽ tăng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp’, ông Thứ lo lắng.

Với Công ty TNHH May mặc Dom, ông Phạm Quang Anh - CEO công ty này cho biết, tại thị trường Trung Đông, doanh nghiệp đang làm việc với nhiều khách hàng ở UAE (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), Jordan… Khối thị trường này hiện chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty.

Sang năm 2024, thị trường dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc
Doanh nghiệp dệt may lo lắng khi giá cước vận tải tăng mạnh

Tuy nhiên, xung đột khu vực đang căng thẳng khiến doanh nghiệp đau đầu lo lắng về an toàn của hàng hóa trong quá trình vận chuyển bằng đường biển, cũng như việc cước vận tải tăng nóng trở lại.

Theo ông Quang Anh, nếu tháng 11/2023 giá cước vận tải cho 1 container (40 feet) sang thị trường Jordan chỉ ở mức 1.450 USD thì hiện nay giá cước đã tăng lên 6.000 USD. Cùng với đó, thời gian vận chuyển cũng kéo dài hơn. Thông thường khách hàng sẽ đặt hàng gối đầu (tức nhận được đơn hàng cũ sẽ đặt hàng mới), do đó, khi thời gian vận chuyển tăng lên khiến đơn hàng của doanh nghiệp cũng bị giảm tới 50% so với trước đây.

“Gần đây nhất, đơn hàng vận chuyển qua thị trường này phải mất 2,5 tháng khách hàng mới nhận được thay vì 1 tháng như trước đây”, ông Quang Anh chia sẻ.

Theo ông Quang Anh, khi khu vực này trở nên căng thẳng, doanh nghiệp phải lựa chọn hãng tàu "thân thiện" với các nước Trung Đông để hàng hóa vận chuyển được thông suốt, dễ dàng hơn.

“Hàng hóa xuất khẩu qua các nước này vốn giá đã rất cạnh tranh, giờ đây khi giá cước vận tải tăng lên, doanh nghiệp lại phải tiếp tục giảm giá để chia sẻ với khách hàng. Điều này khiến nhiều đơn hàng không có lãi”, ông Quang Anh thông tin và cho biết nếu cước phí tàu biển tiếp tục tăng trở lại, doanh nghiệp buộc phải chịu, tìm cách hạ giá thành sản phẩm hoặc tiếp tục chuyển hướng sang các thị trường khác an toàn hơn.

Hà Duyên

Theo: Báo Công Thương